Top

Chân dung "ông vua" bất động sản Hong Kong

Cập nhật 08/09/2010 15:30

60 năm trước đây, khi đặt chân đến Hong Kong, trong túi Lee Shau Kee chỉ có vỏn vẹn 1.000 HKD. Qua nhiều thập niên Chủ tịch Lee Shau Kee của tập đoàn bất động sản Henderson Land Development đã âm thầm tính toán những hướng đi khôn ngoan để đem về khối tài sản cực lớn cho tập đoàn và trở thành một trong những người giàu nhất ở vùng lãnh thổ Hong Kong.

Làm việc tại một cửa hàng vàng bạc và ngoại hối, Lee Shau Kee hiểu ra nhiều vấn đề của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, ông chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản khi nhận thấy cơ hội to lớn của một trong những trung tâm tài chính của khu vực châu Á. Đến nay, ở tuổi 82, Lee Shau Kee được xếp vị thứ 22 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản 18,5 tỷ USD.

Trong nhiều thập niên vừa qua, Chủ tịch Lee Shau Kee của tập đoàn bất động sản Henderson Land Development đã âm thầm tính toán những hướng đi khôn ngoan để đem về khối tài sản cực lớn cho tập đoàn và trở thành một trong những người giàu nhất ở vùng lãnh thổ Hong Kong. Hiện ông là người giàu thứ hai trong danh sách 40 người giàu nhất Trung Quốc. Lee Shau Kee vượt lên vị trí thứ hai trong danh sách này vì chỉ trong vòng 4 năm vừa qua, số tiền mà ông đầu tư vào thị trường chứng khoán châu Á đã tăng gấp đôi.

Người khổng lồ bất động sản của thập niên 1990

Lee Shau Kee đã xây dựng tập đoàn Henderson bằng cách tích lũy từng mảnh đất nhỏ từ những năm đầu thập niên 1970. Sau đó, Lee tìm mối quan hệ với các quan chức chính phủ, thảo luận về các mức phí, lệ phí về đất đai. Ông đã đón đầu đúng thời điểm thị trường bất động sản Hong Kong bùng nổ trở lại, sau đó lại ẩn mình tìm kiếm cơ hội trên những phân khúc mới. Tập đoàn Henderson đã mở rộng phạm vi kinh doanh trên khắp vùng lãnh thổ Hong Kong, đầu tư vào các khách sạn Miramara, Hong Kong & China Gas, Hong Kong Ferry, đồng thời cũng “ghi điểm” ở những ngành nghề kinh doanh khác.

Thập niên 1940, cha của Lee là ông Lee Kai-po sở hữu một cửa hàng chuyên mua bán ngoại tệ và vàng bạc ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cuối thập niên 1940, Lee Kai-po đã chia tài sản gia đình cho hai người con trai, gửi một người đến Macau và gửi Lee Shau Kee đến Hồng Kông.

Lee Shau Kee đến Hong Kong với vỏn vẹn 1.000 HKD và bắt đầu làm việc cho một ông chủ cửa hàng ngoại tệ ở Hong Kong. Lee đã thử tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm cả việc bán các loại máy móc và kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đến năm 1958, Lee quyết định tham gia vào thị trường bất động sản, và cùng với nhiều nhà đầu tư khác thành lập công ty Eternal Enterprise Company.

Việc chọn lựa thời điểm của Lee là hoàn hảo. Khi Hong Kong “lớn lên” và trở thành một trong những trung tâm tài chính chủ chốt của khu vực châu Á, cũng là lúc giá bất động sản leo thang thẳng đứng. Năm 1963, Lee thành lập một công ty bất động sản mới, với tên gọi Sun Hung Kai. Chẳng bao lâu sau, công ty này nhanh chóng trở thành một trong những công ty bất động sản nổi tiếng nhất của Hong Kong.

Đến những năm đầu của thập niên 1970, Lee trở thành một trong những huyền thoại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Năm 1972, Lee quyết định “chia tay” với kinh doanh bất động sản thuần túy theo kiểu mua đi bán lại, và chuyển hướng sang tập trung vào các dự án xây dựng lớn. Năm 1973, Lee thành lập tập đoàn Henderson Land Development. Tham gia cùng với Lee có nhiều thành viên trong gia đình, bao gồm cả người anh trai là Lee Tat Man và người chị gái là Lee Woon King. Đại gia đình này đã thành lập một số công ty có hoạt động bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Năm 1981, công ty Henderson lên sàn. Vào thời điểm đó, quỹ đất của công ty vẫn còn nhỏ, chưa đến 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, Lee đã thuyết phục những nhà đầu tư khác cùng tham gia để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường xây dựng. Tinh ranh và am hiểu thị trường, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Lee trở nên nổi tiếng vì việc đưa ra các quyết định rất nhanh chóng. Lee cũng được giới đầu tư nể phục vì khả năng tìm được “ngọc trong đá”. Lee đã tìm được những viên đá quý ẩn mình trong lớp đá xù xì khi lĩnh vực xây dựng ở Hong Kong bùng phát. Lee tìm đến những dự án mà các công ty phát triển bất động sản khác tránh né. Và ông đã giành được chiến thắng để trở thành huyền thoại trong các tỷ phú bất động sản của Hong Kong.

Những năm đầu thập niên 1980, Lee lại chuyển sang chiến lược đầu tư thận trọng với một danh mục hạn chế. Nhờ đó, tập đoàn Henderson của ông đã tránh được những tác động tồi tệ nhất của bi kịch bất động sản ở Hong Kong kéo dài từ đầu đến giữa thập niên.

Khi nhận ra những dấu hiệu cho thấy thị trường đang tăng tốc, Lee đã quyết định “lái” Henderson theo một chiến lược táo bạo. Đến năm 1988, Henderson đã xây dựng được một danh mục đầu tư phát triển bất động sản trên diện tích hơn 7 triệu m2 với chi phí vừa phải. Tập đoàn Henderson đã mua lại quyền kiểm soát công ty Wing Tai năm 1985. Sau đó, công ty này được đặt tên là công ty đầu tư Henderson Investment. Năm 1988, Henderson Investment tái cấu trúc để phát triển thành một công ty bất động sản chuyên nghiệp.

Những năm 1990, Henderson Investment phát triển thêm rất nhiều các hoạt động. Năm 1992, Henderson tham gia vào cả lĩnh vực kinh doanh khách sạn, xây dựng và quản lý hai khách sạn Kowloon. Sau đó, công ty này mua quyền kiểm soát trong khách sạn Miramar có 525 phòng. Bước đột phá vào lĩnh vực quản lý khách sạn đã đưa công ty bước chân vào thị trường bán lẻ với việc khai trương chuỗi cửa hàng bán lẻ Citistore năm 1989. Năm 2004, công ty này mở 5 cửa hàng nữa ở Hong Kong.

Thành công trên thị trường chứng khoán


Nhờ may mắn và khả năng vượt trội trong việc tìm kiếm các cơ hội, Lee đã đánh cuộc khoảng 10 tỷ USD vào thị trường chứng khoán, số tiền này đã nảy nở lên 50 tỷ USD trong vòng 30 năm, một suất sinh lợi không tồi trong một nền kinh tế như Hong Kong và vượt trội so với đầu tư xây dựng các nhà máy.

“Với chứng khoán, giao dịch kỳ hạn và trái phiếu, tôi có thể kiếm được một tỷ USD trong vòng vài tuần. Điều này khác hẳn với đầu tư vào sản xuất, khi bạn phải thuê rất nhiều công nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án, mua sắm trang thiết bị và chờ đợi thu lợi trong nhiều năm”, Lee nói.

Lúc bước vào tuổi 76, Lee nghiệm cho ra đấy không phải là thời điểm nên tập trung tích lũy tài sản để giàu có mà việc quan trọng hơn là bảo toàn và phát triển khối tài sản đang có. Vì vậy, ông đã quyết định thành lập tập đoàn tài chính Henderson Financial Enterprises Group. “Với 20 đến 30 dự án đầu tư ở Mỹ, Canada, Hong Kong, Singapore và Nhật Bản, chúng tôi có thể đạt mức sinh lợi ít nhất 10%, thậm chí là 20%”, Lee nói.

Lee nhìn thấy giá trị và triển vọng tốt đẹp từ những cuộc đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. “Chúng tôi nói chuyện với một số công ty và các nhà tài trợ, tìm cách thực hiện các giao dịch mua bán trước khi các cuộc đấu giá diễn ra. Bạn sẽ không thể sai lầm nếu đầu tư vào những công ty hàng đầu ở Trung Quốc. Nếu những công ty này đi sai hướng, điều đó có nghĩa là không có khoản đầu tư nào ở Trung Quốc sống được”, Lee giải thích.

Lee nói rằng với chính sách thuế phù hợp, Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính quốc tế đầy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trường hợp ngoại lệ được Lee nhắc đến đó là thuế bất động sản. Theo ông, chính sách thuế này nên được điều chỉnh phù hợp hơn nữa để những ông chủ cực giàu như Warren Buffett nghĩ đến chuyện bỏ một ít trứng của mình vào “chiếc giỏ” của thị trường này.

Mặc dù tuổi đã cao, Lee vẫn tiếp tục quản lý Henderson. “Tôi muốn đưa Henderson trở thành một công ty lớn hơn trong vòng 8 đến 10 năm nữa”, ông nói.

Vì tuổi tác cao, Lee đã nhường bớt việc cho hai con trai của mình. Người con trai cả của ông Peter Lee Ka-kit, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh ở lục địa, trong khi người con trai thứ là Martin Lee Ka-shing điều hành các hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông.

Vì Hong Kong là một thị trường đã trưởng thành, Lee nói rằng tương lai của tập đoàn Henderson sẽ đặt ở Trung Quốc. Ông nói rằng, môi trường kinh doanh của Trung Quốc sẽ ngày càng được cải thiện vì đất nước này đang thay đổi để phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Với một nền tảng vũng chắc và các mối quan hệ thân thiết, tập đoàn Henderson đang được hưởng lợi từ những thay đổi của đại lục”, Lee nói.

4 quy tắc đầu tư

Những thành công được Lee Lee Shau Kee xây dựng dựa trên những nguyên tắc đầu tư của riêng ông. Trước hết, đầu tư thành công nghĩa là phải biết bỏ tiền vào đúng giỏ. Việc này đã được Lee thực hiện bằng cách lựa chọn đúng thị trường để mở rộng kinh doanh.

Đó là Trung Quốc, nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo ông, Trung Quốc là nước có lực lượng dân số trẻ, với 72% dân số ở độ tuổi dưới 45. Chính tầng lớp này sẽ là lực lượng tiêu dùng chủ yếu trong thập kỷ tới. Năng lực tiêu dùng của những “con người trẻ tuổi” này có tiềm năng vô cùng to lớn. Đó chính là động lực đốt nóng thị trường chứng khoán. Đã có rất nhiều ví dụ thành công của các tập đoàn nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đó là những nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, những nhà cung cấp dịch vụ không dây, những doanh nghiệp bán sản phẩm dệt may qua mạng, những người điều hành các sòng bạc tại thị trường nóng bỏng Macau... Tất cả những điều đó đã góp phần đưa thị trường chứng khoán Trung Quốc từng bước phát triển lên những bước cao hơn.

Quy tắc thành công thứ hai của Lee là phải chọn đúng ngành đầu tư. Lee chỉ đầu tư vào các công ty hàng đầu trong các ngành có tiềm năng phát triển lớn. Và ông đã làm tăng giá trị cổ phần của mình nhờ đầu tư vào các công ty mà nhà nước chiếm đa số cổ phần. Tuy nhiên do phần lớn các công ty nhà nước nắm cổ phần chủ yếu thường có thái độ quan cách và hoạt động kém hiệu quả nên Lee phải chọn lọc kỹ lưỡng và chỉ đầu tư vào vào một số công ty nhà nước kinh doanh có lãi, hoạt động minh bạch, được hưởng lợi thế độc quyền trong một số ngành đang rất phát triển.

Ví dụ rõ nhất là ông đã đầu tư vào các chứng khoán của các công ty khai thác tìm kiếm và tinh lọc dầu khí thuộc ngành dầu khí Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn lựa chọn đầu tư vào các công ty sản xuất nhôm, vì chúng có được lợi thế về cơ sở hạ tầng mà Chính phủ Trung Quốc dành cho hoặc các công ty khai thác công nghệ không dây, hiện chiếm tới 70% thị phần trong khu vực đang phát triển bùng nổ này. Những công ty nhà nước làm ăn có lãi trung bình tạo ra 48% lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong năm 2006.

Quy tắc làm giàu thứ ba của Lee là đầu tư dài hạn. Sự giàu có của Lee khiến nhiều người sửng sốt, nhưng không vì thế mà Lee giao dịch cổ phiếu thường xuyên. Theo Lee, cần chờ đủ thời gian để các khoản đầu tư này mang lại cho bạn lợi nhuận lớn nhất có thể.

Quy tắc thứ tư là biết kiểm soát cảm xúc. Đây là quy tắc cuối cùng nhưng rất quan trọng luôn được Lee nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là một nhà đầu tư phải luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Lee nói rằng, rất nhiều nhà đầu tư đã quá lo lắng trước những biến động ngắn hạn của các cổ phiếu của họ.

Để giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, hàng ngày Lee dành một giờ để thư giãn và nghĩ tới những điều tươi sáng và vui vẻ trong cuộc sống. Lee nghĩ rằng điều này hay bị bỏ qua trong thế giới hối hả hiện tại. Khi Lee kiếm tiền tại thị trường tài chính Phố Wall, ông đã làm việc với rất nhiều chủ nhà băng, những người giao dịch chứng khoán và cả những nhà quản lý tiền bạc. Ông nhận ra những người hay bị ám ảnh bởi các hoạt động đầu tư trong ngắn hạn thường sớm phải rời bỏ cuộc chơi.

Lee không hề vội vã, thái độ điềm tĩnh, chắc chắn luôn khiến ông cân bằng, giúp ông có đầu óc sáng suốt và khả năng phán đoán chính xác.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân 360