Top

Bùng nổ siêu đô thị

Cập nhật 12/04/2011 08:20

Nhiều chuyên gia dự báo vào năm 2050, sẽ có 70% dân số thế giới sống ở thành thị

Dân số ở các thành phố lớn trên thế giới đang ngày càng tăng, tạo áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng và môi trường, đồng thời là một thách thức cho các nhà quy hoạch, phát triển đô thị và các thị trưởng. Những người này vừa gặp nhau tại Hội chợ Triển lãm bất động sản quốc tế (MIPIM) ở thành phố Cannes (Pháp) để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.


Mô hình “Thành phố London mới” được giới thiệu tại Hội chợ Triển lãm bất động sản quốc tế. Ảnh: GETTY IMAGES

Siêu đô thị ngày càng nhiều “Tương lai của thế giới nằm ở những thành phố” - thị trưởng London Boris Johnson, một trong những nhà lãnh đạo tham gia vào nhóm cố vấn của thị trưởng, phát biểu tại MIPIM. Ông Boris Johnson cho biết họ đang bắt tay tìm ra các sáng kiến phát triển đô thị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 1900, khoảng 14% dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 1950, con số này tăng lên 30% và hiện tại là 50%. Ngày nay, hơn 400 thành phố có dân số trên 1 triệu người, 19 thành phố trong số này có số dân hơn 10 triệu - ông Robert Peto, Chủ tịch Tổ chức Khảo sát Hoàng gia (RICS), cho biết.

Sự gia tăng dân số trong 40 năm tới sẽ rơi vào các thành phố ở những nước mới nổi thuộc châu Á, Mỹ La tinh và châu Phi. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Citigroup đăng trên báo Telegraph (Anh) cho biết những siêu thành phố được dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất vào giữa thập kỷ tới là London, Chicago, Tokyo, New York, Los Angeles, Hồng Kông, Sao Paulo, Mexico City, Thượng Hải, Buenos Aires, Mumbai và Moscow.

Nguy cơ thiên tai

“Sự bùng nổ của đô thị hóa sẽ tác động lớn đến cộng đồng dân cư, nền kinh tế, nhất là môi trường sống” - ông Peto thuộc RICS nhấn mạnh. Dù vậy, xu hướng này cũng dẫn đến nhiều rủi ro vì ngày càng nhiều thành phố lớn nằm trong khu vực động đất và lũ lụt. Hơn nữa, biến đổi khí hậu có thể sẽ làm tăng những rủi ro nêu trên, Fouad Bendimerad, người đứng đầu nhóm Sáng kiến động đất và siêu đô thị có trụ sở tại thủ đô Manila (Philippines), cho hãng tin AFP biết. Hiện nay, có từ 8-10 thành phố lớn trên thế giới đang bị động đất đe dọa liên tục, trong đó có Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đóng vai trò quan trọng đối với các thành phố đông dân trong những năm tới là sự phát triển bền vững, giao thông và việc sử dụng năng lượng. Ông Lloyd-Jones, một chuyên gia về phát triển đô thị, nhấn mạnh: “Một khi giá dầu tăng sẽ dẫn đến áp lực tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng. Điều này có nghĩa là nhiều thành phố cần cải thiện hiệu quả của hạ tầng giao thông và việc đầu tư vào phương tiện giao thông công cộng là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu đó”.

Một số thành phố đang có những bước đi theo hướng này. Tại London (Anh), chính quyền đang xây dựng cầu bắc qua sông Thames trước khi Thế vận hội 2012 diễn ra ở thành phố này. Ở thành phố Melbourne (Úc), nhà chức trách có kế hoạch phát triển những khu dân cư đông đúc hơn dọc theo các hành lang giao thông, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và hoạt động tái chế tại chỗ. Trong khi đó, thành phố Curitiba (Brazil) đã thành công với chương trình mở rộng đô thị dọc theo tuyến đường xe buýt tốc hành được thực hiện trong 20 năm nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động