Top

Đơn giản hóa pháp luật để chống xây sai phép

Cập nhật 23/02/2009 09:15

Mẫu giấy phép xây dựng hiện hành còn lẫn lộn các quy định bắt buộc chấp hành với các quy định chỉ khuyến khích thực hiện.

Nhà sai phép - Nguyên nhân và giải pháp

Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Võ Kim Cương về những bất ổn của mẫu giấy phép xây dựng hiện hành.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép nhưng nguyên nhân sâu xa nhất chính là hệ thống pháp luật về xây dựng và quản lý đô thị thiếu chặt chẽ, rõ ràng. Từ chỗ đó, chính quyền đã không tạo điều kiện cho mọi người thực hiện đúng pháp luật và người quản lý cũng không có điều kiện để xử lý nghiêm minh các vi phạm phát sinh.

Để ra một quyết định xử lý đúng đắn cần hội đủ các điều kiện sau đây: Quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu (không nước đôi); người có trách nhiệm truyền đạt pháp luật đã hoàn thành việc truyền đạt đến đối tượng thực hành pháp luật; người thực hành pháp luật đủ năng lực hành vi; người ra quyết định xử lý vi phạm có đủ thẩm quyền và trách nhiệm. Nếu người có thẩm quyền mà không ra quyết định xử lý đúng quy định tức là anh làm sai và sẽ bị “xử tội”.

Tính không rõ ràng và thiếu chặt chẽ của pháp luật biểu hiện trong quy định về nội dung của giấy phép xây dựng (GPXD). Nội dung GPXD theo mẫu ban hành trong các phụ lục đính kèm Nghị định 16 năm 2005 khá giản đơn: diện tích xây dựng tầng một, tổng diện tích sàn, chiều cao công trình, số tầng, vị trí lô đất, tiện tích, cốt nền xây dựng công trình, chỉ giới xây dựng và màu sắc công trình. Mẫu này còn thiếu một số nội dung cần thiết như yêu cầu về mặt tiền, về khoảng cách tới ranh đất, các chi tiết được nhô ra ngoài chỉ giới xây dựng... Trong khi đó, một số yêu cầu đối với chủ đầu tư được trình bày ở mặt sau GPXD có nhiều nội dung bắt buộc lại chỉ như lời hướng dẫn. Như vậy sẽ có chuyện những quy định cần thiết thì không bắt buộc, còn những quy định phải bắt buộc thì lại chỉ là... ghi chú.

Ở đây còn có sự lẫn lộn giữa quy phạm pháp luật với quy định hướng dẫn, hay nói cách khác là lẫn lộn giữa các quy định bắt buộc chấp hành với các quy định có tính chất hướng dẫn, chỉ khuyến khích thực hiện. Các quy định bắt buộc chấp hành là các quy định có ảnh hưởng tới quan hệ xã hội, tới lợi ích chung hoặc người thứ ba. Các quy định khuyến khích áp dụng thường chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của chủ thể hành vi. Ví dụ trong xây dựng nhà thì chiều cao mỗi bậc cầu thang chỉ nên từ 15 cm đến 17 cm, ai muốn làm cao hơn hoặc thấp hơn cũng được. Nhưng nếu làm cao quá, như hơn 20 cm thì chủ nhà phải ráng chịu sự khó khăn khi lên xuống cầu thang, không ảnh hưởng đến người khác và nhà nước không cần quản lý. Trong khi đó, nếu chủ nhà lấn 1 cm lộ giới đã là xâm phạm lợi ích công cộng, phải phạt nghiêm và buộc trả lại lộ giới.

Trong các bản thiết kế cũng có nội dung bắt buộc thực hiện, có nội dung khuyến khích thực hiện. Khi cấp GPXD, các cơ quan thẩm quyền thường đối chiếu trực tiếp từ quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để xem xét các bản vẽ thiết kế rồi đóng dấu duyệt các bản vẽ đó. Bản vẽ được duyệt đính kèm GPXD theo cách đó đã gây ra sự hiểu lầm là mọi chi tiết trên bản vẽ đều phải bắt buộc chấp hành. Cách hiểu này đã dẫn đến nhiều hậu quả khi kiểm tra, quản lý xây dựng như mọi người đều biết.

Điều 68 Luật Xây dựng quy định: “... thay đổi thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp GPXD”. Nội dung này có thể hiểu là mọi thay đổi thiết kế đều phải xin phép. Nhưng nếu hiểu đúng thì chỉ những thiết kế liên quan đến GPXD mới phải xin phép. Điều 13 Nghị định 180 năm 2007 của Chính phủ (về xử lý vi phạm xây dựng) cũng chỉ nói tới hành vi xây dựng sai nội dung GPXD chứ không nói sai bản vẽ thiết kế đính kèm GPXD. Điều 4 Quyết định 04 ngày 17-1-2006 của UBND TP.HCM đã quy định 11 hành vi bị cấm trong hoạt động xây dựng, không có hành vi cấm xây dựng sai bản vẽ đính kèm GPXD, chỉ cấm xây dựng sai GPXD được cấp (khoản 3).

Từ những phân tích trên cho thấy bản vẽ thiết kế chỉ là bản vẽ minh họa cho GPXD, có chứa những nội dung pháp lý, đồng thời chứa cả các nội dung dành cho sáng tạo kiến trúc, cho sở thích của chủ công trình, cho sự linh hoạt trong khi xây dựng.

Nội dung GPXD quy định trong Nghị định 16 năm 2005 nêu trên đã khá đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên để hiểu đúng hơn về GPXD, xin đề nghị đối với những hành vi cấm, những nội dung phải tuân theo, nhà nước cần quy định rõ hơn trong GPXD, kể cả sai số cho phép của việc đo đạc. Quy định rõ ràng sẽ tạo điều kiện xử lý kiên quyết khi bị vi phạm, dù nhỏ. Nội dung mà nhà nước cần quản lý càng ít, thủ tục hành chính càng đơn giản, bộ máy càng gọn nhẹ thì càng ít tham nhũng.

Lỗi tại người thừa hành máy móc

Tôi đã đọc rất kỹ loạt bài về nhà sai phép và cả bài tường thuật buổi hội thảo về chuyên đề này. Qua cách trả lời của ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, tôi thật bất ngờ khi biết là lâu nay, các cơ quan chức năng đã hiểu sai và thực hiện sai pháp luật. Thay vì chỉ quản lý việc xây dựng theo các nội dung ghi trong giấy phép xây dựng, các quận, huyện còn can thiệp vào bên trong từng căn nhà thông qua việc xét nét từng chi tiết mà bãn vẻ thiết kế đã thể hiện. Để rồi nơi nào “thấy thương dân” thì bỏ qua hoặc chỉ phạt cho có; nơi nào muốn kiên quyết “chấp hành pháp luật” thì phạt thật nặng. Ngoài việc không đảm bảo sự công bằng, cách hành xử bất nhất trên đã khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền.

Theo tôi, trách cứ pháp luật chưa rõ ràng thì ít, trách cứ người thừa hành mới nhiều. Vì sao trong một thời gian dài, những cán bộ cảm thấy cách xử lý trên bất hợp lý lại im hơi lặng tiếng, không kịp thời báo cáo, đề xuất các cơ quan cấp trên thống nhất tháo gỡ? (nguyenngocthien...@yahoo.com.vn)

Vậy là nhà tôi sẽ được hoàn công suôn sẻ

Mặc dù xây xong nhà mới đã được ba tháng nhưng đến nay tôi vẫn chưa làm hồ sơ hoàn công và tất nhiên chưa thể xin cấp “giấy hồng”. Số là theo bản vẽ thiết kế được ghi kèm theo GPXD thì tầng lầu của căn nhà có đến hai nhà vệ sinh ở hai phòng khác nhau. Chừng khi xây dựng tôi mới thấy nếu làm y như vậy thì phòng học của con tôi sẽ bị hẹp. Thế là tôi chỉ xây một nhà vệ sinh ở phòng còn lại. Chính vì chưa rõ thực hư thế nào nên tôi cứ lần lựa, chưa làm các thủ tục tiếp theo.

Nay thì tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi theo Báo Pháp Luật TP.HCM thì nhà nước chỉ quản lý những nội dung ghi trong GPXD. Phần người dân được tự quyết định các chi tiết thuộc về nội thất. Đề nghị các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng sớm minh định quan điểm xử lý này bằng văn bản pháp quy để các nơi thực hiện thống nhất. (Nguyễn Bá Lộc - Phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP