Top

Thành phố Hồ Chí Minh:

Hơn 10.000 nhà xây tạm trên đất nông nghiệp

Cập nhật 03/12/2009 09:55

TP HCM hiện có trên dưới 10.000 căn nhà được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Hậu quả để lại không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, phá nát quy hoạch mà còn gây nên tình trạng ngập úng trên diện rộng do các khu dân cư tự phát này không có hệ thống thoát nước, xây dựng trên kênh rạch ngăn cản dòng chảy, không thể tiêu thoát nước ra sông.

Đó là một thực tế không thể chối cãi, song, cũng có một thực tế khác khiến người nông dân ở vùng đô thị hoá lâm vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì… rắc rối" đó là chuyện xây dựng tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh khi không còn trồng lúa…

Trước năm 1997, nông nghiệp ở TP HCM phát triển chủ yếu ở 6 địa bàn là huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè và một phần các quận 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Sau năm 1997, khi các huyện Thủ Đức tách ra thành 3 quận: 2, 9, Thủ Đức; Nhà Bè thành quận 7, huyện Nhà Bè; huyện Hóc Môn thành quận 12, huyện Hóc Môn… thì nông nghiệp chủ yếu còn ở 4 huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

Theo điều tra vào năm 2005 thì diện tích đất nông nghiệp trên toàn thành phố là 123.517ha (chiếm 58,9% diện tích đất tự nhiên), nông dân chiếm khoảng 4% trên tổng số dân, trong đó chỉ có gần 30% trong số này sống ở vùng nông thôn thuần túy, còn lại là nửa thành thị, nửa nông thôn.
 

Cần phải có lối ra cho những khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang thế này.


Đưa ra con số này để thấy rằng, người nông dân ở một thành phố lớn nhất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành công dân đô thị theo quá trình đô thị hoá trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng thay đổi theo thời cuộc như là một quy luật tất yếu.

Nếu ngày trước nông dân ở các quận mới như: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức trồng lúa, trồng lài, nuôi heo, chăn vịt thì nay họ chuyển sang nuôi cá kiểng, trồng cây kiểng, thậm chí mở dịch vụ câu cá giải trí, điểm du lịch sinh thái mang tính chất gia đình… Mà để phát triển các ngành nghề mới này đòi hỏi họ phải xây dựng các công trình tạm, bán kiên cố để phục vụ kinh doanh, từ đó phát sinh những khó khăn.

Nông dân Nguyễn Văn Bảy, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, bộc bạch: "Tôi có khoảng 1 công đất nằm ven đường nhựa nhưng mục đích sử dụng là đất trồng lúa. Khi tôi muốn xây dựng công trình (khung sắt, mái tôn) thì phải chuyển đổi mục đích, song, vì đây là khu quy hoạch cây xanh nên không được chuyển đổi mục đích. Vậy là tôi phải đành để đất bỏ hoang…".

Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân quận 9, ưu tư: "Trên địa bàn quận 9 có khá nhiều khu quy hoạch, trong đó có những dự án chỉ mới nằm trên giấy nhưng nông dân chẳng thể làm gì trên mảnh đất của mình khi không còn trồng lúa mà chỉ biết bỏ hoang rồi… chờ!".

Đất bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tài nguyên, thất thu thuế cho Nhà nước mà còn kéo theo một bộ phận nông dân vô công rỗi nghề, phát sinh nghèo đói, tệ nạn. Ông Huỳnh Nhật Tâm, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) bộc bạch: "Tuy đây là vấn đề khá bức xúc ở nhiều địa phương nhưng vì chưa có quy định cụ thể của UBND TP HCM nên phường không thể giải quyết và cũng không có đủ thẩm quyền để giải quyết cho người dân xây dựng (dù tạm) trên đất nông nghiệp được".

Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, khi người dân có nhu cầu thì chính quyền vẫn du di cho xây dựng nhưng buộc phải làm cam kết tháo dỡ vô điều kiện khi Nhà nước thu hồi. Và việc xây dựng tạm đó phải phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như nuôi cá kiểng, vườn ươm giống… chứ không giải quyết vào mục đích khác ngoài nông nghiệp.

Đây cũng là một vấn đề đặt ra, bởi lẽ, việc khai thác khu đất sao cho có hiệu quả thì không nhất thiết phải là phục vụ cho nông nghiệp mà người nông dân có thể xây dựng làm nơi buôn bán, kinh doanh…

Từ thực tế trên, chúng tôi mong rằng các Ban, ngành chức năng của TP HCM cần phải có khảo sát thực tế và đề ra phương án giải quyết để đáp ứng nhu cầu chính đáng này của người nông dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân