Top

Tổng kết thị trường từ ngày 08 đến ngày 14/5/2009:

Lúng túng phí dịch vụ nhà chung cư

Cập nhật 18/05/2009 10:05

Trước việc chính quyền các địa phương vẫn chưa thể ban hành khung phí dịch vụ nhà chung cư theo quy định tại Thông tư 01/2009/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 12.4.2009), nhiều người đặt lại vấn đề nên hay không nên việc Nhà nước can thiệp vào việc ban hành mức phí này? Thực ra trong điều kiện “loạn phí” như hiện nay thì việc Nhà nước (địa phương) cần phải ban hành một mức phí khung là cần thiết, ít nhất để sử dụng trong việc giải quyết tranh chấp. Nhưng vấn đề hiện này là mức trần ấy sẽ được xây dựng căn cứ trên cơ sở nào là hợp lý?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng khoa Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc chính quyền cần ban hành khung phí quản lý chung cư căn cứ theo loại chung cư là một biện pháp mang tính chất trật tự xã hội để đưa phí này vào một biên độ nhất định. Việc này nhằm để bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là khi đang có sự xung đột về quyền sở hữu chung, riêng trong chung cư. Không có mức giá áp dụng chung, phí dịch vụ chung cư ở Hà Nội đang "loạn". Tại Trung Hòa- Nhân Chính, phí dịch vụ hiện là 30.000 đồng mỗi tháng. Văn Quán, Linh Đàm, Việt Hưng... cao hơn một chút, 45.000 đồng. Một số nơi được gọi là cao cấp, phí dịch vụ hằng tháng được tính theo m2. The Manor là 8.000 đồng/m2, Pacific Place 83B Lý Thường Kiệt lên tới 0,6 USD/m2. Trung bình một căn hộ ở đây có phí dịch vụ xấp xỉ 1 triệu đồng.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, phí chung cư cũng lộn xộn. Tại chung cư 41bis Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), phí quản lý được chia như sau: Từ tầng 1 - tầng 5 phí 120.000 đồng/tháng/hộ; từ tầng 6 trở lên, phí được tăng lên 200.000 đồng/tháng/hộ. Tại chung cư H3, đường Hoàng Diệu (Q.4), cách quận 1 chỉ một cây cầu (cầu Ông Lãnh) vẫn được gọi là chung cư cao cấp, mức phí quản lý thu 6.000 đồng/m2/tháng; nhưng chung cư Vạn Đô (Q.4) gần đó chỉ là 5.000 đồng/m2/tháng... Mức phí này vẫn đang bị các hộ dân sinh sống tại các cao ốc này than trời nhưng so với một số chung cư cao cấp khác thì mức phí quản lý còn cao hơn...

Tuy nhiên, hiện nay để thống nhất mức phí quản lý nhà chung cư theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì các địa phương đều đang rất lúng túng. Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh sau khi công bố dự thảo gây tranh cãi với mức phí cao nhất là 9000 đồng/m2 đến giờ vẫn chưa thấy có quyết định cuối cùng. Còn tại Hà Nội, mặc dù UBND thành phố “lệnh” phải ban hành khung phí này trong quý II nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được nguyên tắc xây dựng khung giá.

Theo dự thảo khung phí vận hành chung cư của Tp. Hồ Chí Minh thì chủ đầu tư không được thu phí vượt mức 9.000 đồng/m2/tháng đối với chung cư cao cấp (hạng 1); mức phí trần của chung cư hạng 2 là 7.000 đồng/m2/tháng; chung cư hạng 3 thu phí quản lý tối đa 5.000 đồng/m2/tháng và mức phí cao nhất cho các chung cư hạng 4 là 4.000 đồng/m2/tháng. Dự thảo này đang gây xôn xao và lo lắng đối với nhiều hộ dân đang sinh sống trong các chung cư tại TP.HCM. Bởi trên thực tế, mức phí mà dự thảo đưa ra cao hơn rất nhiều so với phí quản lý thực tế đang thu hiện nay ở hầu hết cao ốc. Vì vậy, nếu theo dự thảo đưa ra thì mức phí sẽ đội lên rất nhiều, nhất là những hộ có diện tích lớn. Lấy chung cư Tân Tạo (Q.Bình Tân) làm ví dụ. Mức phí sắp sửa áp dụng cho chung cư này được tăng lên là 3.500 đồng/m2/tháng vẫn còn thấp hơn mức phí thấp nhất dành cho chung cư hạng 4 mà dự thảo đưa ra. Hay tại các chung cư vẫn được gọi là cao cấp như H3 (Q.4), Minh Thành (Q.7)... thì mức phí quản lý hiện thu cũng chỉ bằng 2/3 so với mức của dự thảo. Chính vì thế, các hộ dân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM lo lắng, dự thảo mức phí của Sở Xây dựng TP.HCM sẽ "bật đèn xanh" cho các chủ đầu tư hay các công ty quản lý dựa vào đó để tăng phí quản lý lên cao hơn so với mức hiện nay.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, mức phí cao hay thấp sẽ do tính chất nội dung công việc, lượng nhân công thuê mướn quyết định. "Mức phí chung cư đắt hay rẻ phải dựa vào tính chất công việc chứ không thể vin vào lý do cao cấp. Bởi cao cấp hay không đã thể hiện ở giá bán của chung cư rồi", ông Liêm nói. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mức phí nên được xây dựng trên cơ sở hạng nhà chung cư. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cho rằng mức phí do chính quyền địa phương xây dựng chỉ nên được coi là mức trần (hoặc sàn) mang tính tham khảo, còn cơ bản mức phí dịch vụ thực tế nên do chủ đầu tư và người dân (hội nghị nhà chung cư) thỏa thuận quyết định. "Hiện nay mức phí cao hay thấp – liên quan đến việc lựa chọn dịch vụ cao hay thấp, thường do chủ đầu tư quyết định. Nhưng nên cân nhắc có cần thiết bỏ ra một chi phí quá lớn để vận hành hay không. Nên thảo luận để đi đến tiếng nói chung, đối với từng hạng chung cư và từng yêu cầu của người dân có mức phí phù hợp".

Lê Đình - DiaOcOnline.vn