Top

Thị trường Bất động sản năm 2016: Những dự cảm tốt lành

Cập nhật 11/02/2016 08:18

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 xuất hiện nhiều tín hiệu vui như điềm lành báo trước sự suôn sẻ cho năm 2016. Đây thực sự là một bước phục hồi đáng kể khi lòng tin của cộng đồng DN và khách hàng đã quay trở lại trước các nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hành lang pháp lý cùng biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước.

“Bước sang năm 2016, thị trường BĐS vẫn tiếp đà phục hồi tốt. Dù vậy, đừng kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng quá cao vì năm 2015 đã tăng rất nhanh” - bà Nguyễn Hoài An - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Công ty CBRE nhấn mạnh.

Bán - mua nhộn nhịp

Điểm đáng chú ý nhất đối với thị trường BĐS năm 2015 là dấu hiệu hồi phục. Điều này đã diễn ra từ cuối năm 2014 với thị trường nhà ở và tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh trong suốt năm 2015. Theo số liệu từ CBRE, năm 2015 khép lại với tổng lượng bán - mua cao nhất lịch sử trong một năm: Ước tính có 28.300 căn hộ đã được cháo bán, tăng 70% so với năm 2014; trong đó đã tiêu thụ khoảng 21.100 căn.


Phân tích kỹ hơn về tỷ trọng trong lượng giao dịch, những dự án trung và cao cấp, với giá bán dao động khoảng 1,3 - 4 tỷ đồng bán rất chạy. “Tiếp đà phục hồi như năm 2015, chắc chắn trong năm 2016, các dự án vẫn đang được tiêu thụ nhanh và các hoạt động mở bán sẽ diễn ra nhộn nhịp trong hầu hết các phân khúc, đặc biệt là nhóm thấp của phân khúc cao cấp có giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2” - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Nguyễn Hữu Cường nhận định.

Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia
Ông Neil MacGregor - Tổng Giám đốc Savills Việt Nam: Bất động sản cao cấp dẫn dắt thị trường

Năm 2015, thị trường chứng kiến nhiều khu nhà ở thuộc phân khúc trung - cao cấp được đưa vào thị trường. Tôi cho rằng, trong năm 2016, xu hướng này cũng sẽ tiếp tục với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính. Cùng với chiến dịch tiếp thị, quảng bá rầm rộ, BĐS cao cấp vẫn sẽ có vẻ “dẫn dắt” thị trường căn hộ vào năm tới, nhưng thực tế nguồn cầu ở phân khúc thấp hơn vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc An Gia Investment Nguyễn Bá Sáng: Thị trường căn hộ đóng vai trò chủ đạo

Năm 2016, các chủ đầu tư sẽ chú trọng vào sản phẩm và tiến độ xây dựng để tạo nên uy tín và thu hút khách hàng mua để ở. Bởi thị trường căn hộ đã trở thành một trong những xu hướng nhà ở được đông đảo cư dân chọn mua vì đảm bảo được yếu tố an toàn, thuận tiện và phù hợp với khả năng tài chính. Các loại hình căn hộ đa dạng với nhiều chính sách thanh toán linh hoạt đáp ứng được đúng nhu cầu của người dân chưa có nhà ở muốn sở hữu được một căn hộ với số tiền tích lũy nhỏ.
(An Gia Investment) dự đoán, vào năm 2016, thị trường sẽ diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn ở phân khúc dự án trung, cao cấp với số lượng căn hộ tung ra khoảng hơn 60.000 căn. Các chủ đầu tư không chỉ phát triển các dự án quy mô vài trăm căn nữa mà lên đến hàng ngàn căn, và khách hàng sẽ ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Với quy mô và tốc độ phát triển mạnh mẽ đó, các dự án sẽ phân bổ ở nhiều khu vực, nhiều đối tượng hơn tạo ra một bức tranh thị trường rất sôi động nhưng cũng đi liền với sự cạnh tranh lớn hơn. Nếu dự án được triển khai mà không đạt được 50% chỉ tiêu bán hàng theo kế hoạch kinh doanh của công ty thì sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn. Nguồn cung BĐS cao cấp dồi dào từ năm 2015 sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến thị trường năm 2016. Vì trên thực tế, một dự án được triển khai cần thời gian tối thiểu 3 năm để hoàn tất việc xây dựng, bán hàng và bàn giao đến khách hàng

Ở góc nhìn kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Với Việt Nam, khi thực hiện Hiệp định TPP, sẽ có khoảng 2,5 - 3 triệu người từ nông thôn ra TP, cùng với nền kinh tế đi lên, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ... cũng sẽ khiến giao dịch ở khu vực nhà ở có mức giá rẻ, diện tích tầm trung tăng cao trong năm 2016 - 2018”.

“Đổ tiền” về tỉnh lẻ

Chu kỳ mới của thị trường BĐS đang tiếp tục ghi nhận sự đổ bộ của các đại gia địa ốc vào các đô thị loại 1 để phát triển mảng BĐS khách sạn, nghỉ dưỡng và trung tâm thương mại. Khi nhắm đến địa bàn tỉnh lẻ, miếng bánh đầu tư chủ yếu nằm ở các địa điểm trung tâm hành chính, có nhu cầu cao về BĐS. Những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được các nhà phát triển BĐS tên tuổi nhắm tới như Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Tiên phong là Tập đoàn Vingroup với các dự án ở nhiều tỉnh, thành như dự án Vincom Hà Tĩnh quy mô khách sạn 36 tầng và 115 căn biệt thự, nhà phố; Vincom Hạ Long; FLC Group với một số dự án ở tỉnh, thành khác như Quy Nhơn, Thanh Hóa; HB Group mở rộng đầu tư ở Hội An… Mới đây nhất, đã có thông tin đơn vị này đầu tư 2 dự án lớn tại Quảng Ngãi gồm khu tổ hợp thương mại trên đường Lê Quý Đôn, TP Quảng Ngãi và khu nghỉ dưỡng 2.000ha ở bãi biển Bình Châu, Bình Sơn.

Sự lên ngôi của BĐS tại các tỉnh lẻ đang khiến cho nhiều “ông lớn” nung nấu ý định đầu tư vào BĐS thương mại, khu nghỉ dưỡng tại các TP cấp 1 và cấp 2 trong năm 2016. Không chỉ khai thác xu hướng đô thị hóa mà còn tận dụng mức tiêu thụ ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu vốn ngày một đông. Động thái này dự báo sẽ tạo nên cú đột phá mới về BĐS nghỉ dưỡng, du lịch. Theo bà An: “Thị trường BĐS phát triển ở Việt Nam trong khoảng 15 năm qua vẫn chủ yếu ở các TP lớn mà tiêu biểu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Đẵng. Tuy nhiên, khi quỹ đất ở thị trường lớn này tương đối định hình và có quá đông người trong một “sân chơi” thì các nhà đầu tư sẽ đi tìm các miền đất hứa khác. Thực tế, tại thị trường mới, DN BĐS nào nhanh chân đi trước sẽ có lợi thế trong việc có được vị trí tốt, khám phá tối đa khả năng tiềm ẩn của vùng đất mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn rủi ro về mặt nhu cầu, tăng trưởng. Vì vậy, các nhà đầu tư khi đổ tiền vào xu hướng này cần thận trọng lựa chọn những mảnh đất tốt về hạ tầng cũng như thời điểm để triển khai xây dựng hiệu quả nhất”.

 



DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT