Top

Tác động tích cực đến toàn bộ thị trường BĐS

Cập nhật 11/02/2016 07:59

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điều kiện quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Mặc dù còn nhiều lo ngại về hạn chế và tính cạnh tranh, song không thể phủ nhận các mặt tích cực của Hiệp định này mà Việt Nam được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Thông qua Hiệp định TPP, BĐS luôn nằm trong Top 3 lĩnh vực thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với giá trị lên đến hàng tỷ USD.


Hút dòng vốn lớn

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, các năm trước, vốn giải ngân FDI của nước ta khoảng 11,5 tỷ USD. Năm 2015, vốn FDI tăng mạnh vọt lên đạt 14 tỷ USD. Và ngay trong những ngày đầu năm 2016, một loạt dự án có nguồn vốn FDI được cấp phép đầu tư vào Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực BĐS có diễn biến mới nhất là Tập đoàn tài chính AON Holdings đã hoàn tất thương vụ mua tòa tháp Keangnam 72 tầng tại Việt Nam trị giá 380 triệu USD. Siêu thị Metro chính thức về tay Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) trị giá 789 triệu USD. Tập đoàn ANA Holding - Hãng Hàng không lớn nhất Nhật Bản bỏ ra gần 110 triệu USD mua cổ phần của Vietnam Airline. Nguồn vốn FDI khi vào Việt Nam trước và sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực, dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường BĐS trong nước bao gồm cả nhu cầu về mua sở hữu nhà ở cho nhân viên, mở rộng diện tích công xưởng nhà máy sản xuất, gia tăng diện tích thuê văn phòng tiêu chuẩn hạng A và BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Jonathan Tizzard - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và định giá Cushman & Wakefield cho rằng: “Những lợi ích sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên. Ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng”. Bên cạnh đó, ông Jonathan Tizzard cũng cho rằng số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên. Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm TP. Tốc độ đô thị hoá tại các TP lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các KCN để làm việc.

Cùng quan điểm, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành Cty CBRE Việt Nam cho rằng: Các chủ đầu tư của Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đang bắt đầu kế hoạch phát triển, thiết kế và sẵn sàng khởi công các dự án lớn. Trong khi đó, chủ đầu tư Nhật Bản và các liên doanh đang tìm kiếm đất phát triển dự án và tăng cường chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam. “Hưởng lợi nhất khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là phân khúc BĐS KCN. Bởi họ sẽ phải xây dựng hàng loạt nhà máy, kho xưởng. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cũng sẽ phát triển theo” - ông Leech nói.

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững của BĐS. Các hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư BĐS vào Việt Nam hiện đã tốt hơn so với thời gian trước rất nhiều. Nhiều chuyên gia lạc quan vào kịch bản khi TPP được ký kết, các nhà đầu tư quốc tế sẽ có sự dịch chuyển mạnh dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam.

Tận dụng lợi thế kênh đầu tư hấp dẫn an toàn

Ông Trần Đức Diễn - Chủ tịch sàn giao dịch BĐS Maxland đánh giá: Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thời gian để làm quen với môi trường đầu tư và quy định văn bản pháp luật. Để khắc phục được điều này, họ liên kết hoặc hợp tác trực tiếp với các nhà đầu tư trong nước. Khi đó, xu hướng về mua bán và sáp nhập sẽ nhộn nhịp hơn.

Còn ông Matthew Powell - Giám đốc Cty Savills Hà Nội bày tỏ quan điểm: Sẽ có nhiều khách thuê công nghiệp đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia. Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng đáng kể khi các tập đoàn tìm kiếm văn phòng tại trung tâm TP. Giao dịch đối với BĐS nghỉ dưỡng và phân khúc căn hộ cao cấp nhờ đó tăng lên.

Cho rằng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền tệ khá rủi ro, lãi suất tiền gửi thấp thì BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn, ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích: “Thị trường BĐS Việt Nam được hưởng lợi từ những điều kiện của thị trường chung. Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2015 Việt Nam cho thấy, chỉ số CPI bình quân tăng 0,63% mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tỷ lệ lạm phát thấp thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng và lãi suất ngân hàng thấp. Môi trường đầu tư Việt Nam thu hút nhà đầu tư quốc tế lĩnh vực sản xuất, nhiều nhà máy chuyển dịch về Việt Nam. Đó cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư châu Á và quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam”.

Bên cạnh hiệp định TPP, Việt Nam đang ở giữa “tâm chấn” của những hiệp định mang lại lợi ích to lớn là các định chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC. Cơ hội là rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật để tự tin mở cánh cửa đón dòng vốn ngoại. Rõ ràng với một thị trường còn khá non trẻ như thị trường BĐS Việt Nam thì việc hút được dòng vốn ngoại sau khi hiệp định TPP được ký kết sẽ là một cú huých rất lớn. Thách thức lớn nhất mà các chuyên gia lo ngại là sự cạnh tranh khốc liệt đối với DN địa ốc trong nước. Vì vậy, điều mà DN Việt Nam cần làm lúc này là chuẩn bị nội lực để sẵn sàng chơi trên một sàn đấu chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều tập đoàn, nhà đầu tư đa quốc gia. Sự cạnh tranh lúc này sẽ là rất quyết liệt nhưng cũng là phương thuốc để DN BĐS Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng