Top

Tái thiết các khu nhà xuống cấp

Cập nhật 20/03/2017 09:00

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ (CCC) được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1980. Sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, nhiều khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại, xác định các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, trên cơ sở này để có hướng tái thiết, bảo đảm đời sống cho cư dân.


Một khu nhà chung cư cũ trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân). Ảnh: Thái Hiền

Nhiều mối lo

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố các khu CCC có quy mô 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng cách đây 40-50 năm, có những khu thậm chí có "tuổi đời" hơn 60 năm, chủ yếu tập trung tại 4 quận nội thành. Trong đó, 273 CCC có dạng lắp ghép tấm lớn, tập trung tại các khu vực: Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Trung Tự, Thanh Xuân… đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí nghiêng lún như nhà A2, A, B Ngọc Khánh; nhà E6, E7 Quỳnh Mai, nhà A7 Giáp Lục - Tân Mai. Những khu nhà này đều có hiện tượng thấm dột, rêu mốc, han gỉ cốt thép, thậm chí nứt vỡ bê tông.

Thực tế khảo sát chất lượng nhà ở CCC do Sở Xây dựng thực hiện năm 2016 cho thấy, 55% CCC tại Hà Nội có chất lượng kém, 45% chỉ đạt mức trung bình. Có 4 công trình chung cư ở mức nguy hiểm cấp độ D (đặc biệt nguy hiểm), 95 chung cư mức C và 101 chung cư mức B. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các khu chung cư thấp tầng, tập trung tại 4 quận nội thành đã cũ nát, hết niên hạn sử dụng và không được sửa chữa bảo dưỡng định kỳ. Tại các khu chưa hết niên hạn sử dụng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng trong tình trạng quá tải khiến chất lượng cuộc sống của cư dân không bảo đảm.

Nhận xét về thực trạng cải tạo, xây dựng CCC hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, mặc dù thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp, nhưng sau 10 năm tiến hành cải tạo CCC, mới chỉ có 16 tòa được xây dựng lại. Nguyên nhân là do các quy định về khống chế quy mô dân số, mật độ xây dựng theo quy hoạch chung đã được phê duyệt khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà, bởi chi phí bỏ ra quá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thêm vào đó, nhiều hộ dân đã có thái độ bất hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng để tái thiết các khu CCC nát, nguy hiểm.

Tạo sự đồng thuận trong dân

Mặc dù hầu hết các CCC đều đã hết niên hạn sử dụng, thậm chí có những khu nhà có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, song một bộ phận cư dân vẫn bám trụ không muốn di chuyển. Nguyên nhân là do các khu CCC đa phần đều ở vị trí trung tâm thành phố, nên cư dân đều mong muốn giữ lại căn hộ của mình chờ cơ hội được sửa chữa, xây mới. Thêm vào đó, các cư dân tại đây thường có mức thu nhập thấp, hầu hết không đủ khả năng tài chính để chuyển đến nơi ở mới tốt hơn.

Giáo sư Vũ Thị Minh (Khoa Bất động sản và kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, để cải tạo các khu CCC, Hà Nội cần xây dựng chính sách ưu đãi về lãi suất cho các DN thực hiện tái thiết CCC. Việc tham khảo kinh nghiệm huy động vốn để cải tạo, xây mới CCC của Singapore và Nhật Bản cũng đáng lưu tâm.

Tại Singapore, từ những năm 1947, Chính phủ đã xây dựng chính sách phát triển nhà hướng đến nhà ở đô thị cho người nghèo. Nhà tập thể tại đây được cải tạo bằng nguồn tài chính trợ cấp từ quỹ Chính phủ nhằm giảm chi phí và tạo ra giá nhà phù hợp nhất cho người dân. Tại Nhật Bản, Chính phủ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để khuyến khích các DN tham gia xây dựng, phát triển và mua nhà ở. Chính phủ Nhật Bản cũng thành lập quỹ vốn nhà ở với lãi suất chỉ bằng 1/3 lãi suất cho vay thông thường. Những đối tượng khó khăn nếu đến kỳ hạn chưa có khả năng trả nợ sẽ được ân hạn thêm 10 năm…

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, TP Hà Nội đã ban hành danh mục "gọi" đầu tư, trong đó có 10 dự án cải tạo CCC với tổng vốn đầu tư hơn 316.000 tỷ đồng. Để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án tái thiết CCC, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế tạo điều kiện, ưu đãi về nguồn vốn cho các chủ đầu tư tham gia cải tạo CCC. Trong quá trình tái thiết CCC, cần tôn trọng ý kiến của người dân để tạo sự đồng thuận.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân loại và xác định các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn chịu lực gồm: Nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ hơn 60 năm... báo cáo Bộ trước ngày 30-3-2017. Để thực hiện, Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị khẩn trương thực hiện. Sau rà soát, dự kiến các khu CCC sẽ được đánh giá mức độ nguy hiểm và sớm có kế hoạch tái thiết, qua đó cải thiện chất lượng sống cho cư dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới