Top

TP.HCM cần 1000 ha làm bãi đậu xe

Cập nhật 20/03/2017 08:47

Ủng hộ chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường, trong đó có việc không cho đậu xe dưới lòng đường, trên vỉa hè nhưng theo các chuyên gia, để thực hiện việc này, TP.HCM phải nhanh chóng đầu tư bãi đậu xe cho người dân.

Bãi đậu ô tô có thu phí tại công viên 23 Tháng 9, Q.1

Nhiều bãi nổi trống có thể làm nhanh

Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, với lượng ô tô khoảng 1 triệu chiếc, TP cần trên 1.000 ha để đậu xe. Hiện TP mới có khoảng 200 ha được sử dụng làm các bến, bãi đậu xe, thiếu khoảng 800 ha. Đặc biệt, riêng khu vực trung tâm cần khoảng 200 - 300 ha. Vì vậy, trong lúc chờ có đủ chỗ đậu xe, ông Sanh cho rằng, một số tuyến đường rộng cũng nên cho đậu xe tính phí theo giờ, theo ngày, tất nhiên không để ảnh hưởng đến giao thông đi lại.

Một số chuyên gia đề xuất TP nên lắp ghép ngay các bãi đậu nổi. Kỹ sư - chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng chỉ ra cụ thể: “Các tuyến đường hai bên hông chợ Bến Thành (Q.1) có thể làm bãi đậu xe nổi 3 tầng, đậu xe 4 - 7 chỗ. Trước khách sạn New World trên đường Lê Lai cũng có thể làm bãi đậu xe nổi, đường Hàm Nghi (Q.1), công viên 23 Tháng 9, công viên bến Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng... Những mô hình này rất phổ biến ở nước Nhật”.

Ở VN, nhiều người cứ quan niệm phải làm bãi đậu xe lớn, thực ra không cần thiết, chưa kể thiết kế lại xấu và công nghệ lạc hậu. Thay vào đó, cần làm nhiều bãi đậu xe nhỏ. Mỗi bãi đậu xe quy mô 50 - 100 ô tô, vừa dễ đầu tư vừa ít tốn kém

Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng
 

Doanh nhân Hoàng Như Luận đề xuất đường Lê Duẩn đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) hiện có thể cho đậu ô tô tạm, vì ít phương tiện lưu thông, nhất là chiều từ Thảo Cầm Viên về hướng Dinh Thống Nhất do cấm ô tô từ Nguyễn Hữu Cảnh rẽ vào Nguyễn Bỉnh Khiêm theo giờ nên lượng xe vào đường Lê Duẩn rất ít. Khoảng đất trống góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Thất Thiệp (bên hông tòa nhà Sunwah) nên đầu tư bãi đậu xe bằng kết cấu thép, nhiều tầng, thời gian rất nhanh và có thể đậu 1.000 ô tô. Bên cạnh đó, mảnh đất 4 mặt tiền gồm Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) có thể làm bãi xe nhiều tầng đậu được hàng nghìn xe. Khoảng đất trống ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Mạc Đĩnh Chi (Q.1) cũng có thể đầu tư bãi đậu xe nhiều tầng...

TP.HCM đang chọn một số vị trí để đầu tư bãi xe cao tầng lắp ghép như: sau lưng Nhà hát TP, trên đường Phạm Hồng Thái - bên hông công viên 23 Tháng 9 (Q.1), công viên Gia Định, nhưng tất cả các dự án đều chưa được TP phê duyệt.

Thu hồi gấp các bãi đậu xe “trên giấy”

Theo quy hoạch, cách đây hơn 15 năm, UBND TP.HCM đã chọn 8 địa điểm để kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ. Thế nhưng qua rất nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay vẫn chưa có một bãi đậu xe ngầm công cộng nào được xây dựng hoàn thành trừ bãi đậu xe ngầm công viên Chi Lăng nhưng chủ yếu phục vụ những người vào trung tâm thương mại Vincom. Khu vực trung tâm TP còn có nhiều dự án bãi đậu xe ngầm “trên giấy” (công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng, Sân vận động Hoa Lư, Sân vận động Tao Đàn), hoặc phải bỏ đi vì vướng quy hoạch (Công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ…).

Kỹ sư Nguyễn Minh Đồng khẳng định dự án bãi xe công viên Lê Văn Tám, nếu có thực hiện xong cũng không giúp gì nhiều cho việc giải quyết chỗ đậu xe, nhất là xe bên ngoài. Bởi, theo thiết kế, nơi đây có phần trung tâm thương mại, khi đó chủ yếu phục vụ khách đến trung tâm thương mại, dịch vụ trong dự án.

TS Phạm Sanh phân tích, ở các nước, bãi đậu xe ngầm đặt trong khu thương mại hoặc gần khu thương mại. Trong khi đó, ở TP.HCM, các dự án bãi đậu xe ngầm được quy hoạch tại công viên. Không ủng hộ lấy đất công viên làm bãi đậu xe, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nó sẽ làm giảm độ thẩm thấu của đất đô thị, giảm khả năng thoát nước, ảnh hưởng đến môi trường… Công viên phải được sử dụng đúng mục đích và công năng là nơi để người dân tập thể dục, hít thở không khí trong lành như là lá phổi xanh của TP. Vì vậy, UBND TP.HCM cần kiên quyết thu hồi, thay đổi quy hoạch những dự án bãi đậu xe ngầm lập ra nhưng mục đích ngay từ đầu là kinh doanh bất động sản, thương mại. Những dự án này thường chiếm nhiều diện tích đất công, đất công viên, nhưng lại triển khai quá ì ạch, chậm chạp, trong khi cả TP đang bức bách chỗ đậu xe.
 

Xe hơi nối đuôi nhau đỗ trên lòng đường Phan Văn Đạt (Q.1) chiều 17.3 Ảnh: Ngọc Dương

Khuyến khích bãi đậu xe nhỏ

Kỹ sư Nguyễn Minh Đồng cho rằng nên hạn chế làm bãi đậu xe diện tích quá lớn bởi không chủ xe nào lại gửi ô tô xong sau đó đi bộ 1 - 2 km. “Ở VN, nhiều người cứ quan niệm phải làm bãi đậu xe lớn, thực ra không cần thiết, chưa kể thiết kế lại xấu và công nghệ lạc hậu. Thay vào đó, cần làm nhiều bãi đậu xe nhỏ. Mỗi bãi đậu xe quy mô 50 - 100 ô tô, vừa dễ đầu tư vừa ít tốn kém. Mặt khác, nên ưu tiên làm các bãi đậu xe nổi và nhiều tầng vì chi phí rẻ hơn 2 - 3 lần làm ngầm. Về công nghệ, nên sử dụng công nghệ xếp xe tự động. Nhà nước cần ưu tiên miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất làm bãi đậu xe. Giá giữ xe cũng nên theo giá thị trường”, ông Đồng nêu quan điểm.

“Hiện giá giữ xe 15.000 - 20.000 đồng/giờ là nhà đầu tư có lời. Nếu mỗi xe đậu 24 tiếng/ngày thì nguồn thu không nhỏ. Một người bạn ngoại quốc của tôi đang làm việc tại TP.HCM, cho biết hiện ông này thuê chỗ đậu ô tô trong tòa nhà Bitexco giá 300 USD/tháng, chứng tỏ dịch vụ này đang rất hút khách”, ông Đồng nói. Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh cũng cho biết để thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe mới, nhà nước cần mạnh dạn miễn giảm phí, thuế cho các nhà đầu tư, đồng thời cho giá giữ xe theo giá thị trường.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần truy trách nhiệm những cán bộ liên quan trong vấn đề chậm chạp của các dự án bãi đậu xe, nhất là bãi đậu xe ngầm, bởi do sự tắc trách của các cán bộ này mà hơn chục năm qua vẫn chưa có một bãi đậu xe ngầm công cộng nào hoàn thành. Để có thể xây dựng nhanh các bãi đậu xe mới, đáp ứng nhu cầu đang bức thiết của người dân TP, theo ông Mai, nhà nước cần có ngay những động thái đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư muốn xây dựng bãi đậu xe. Bên cạnh đó, cần miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất cho các nhà đầu tư vì đây là dịch vụ công cộng.

Có đủ chỗ đậu xe mới được cấp phép

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM hiện có 80 - 90% các công trình dịch vụ, thương mại không có chỗ hoặc thiếu chỗ để xe cho khách. Trước khi cấp giấy phép hoạt động, nhà nước cần quy định bắt buộc các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, trường học, bênh viện... phải có đủ chỗ để xe cho khách. Bởi lâu nay, tiêu chí này bị xem nhẹ.

Các chỗ đậu xe công cộng ngoài đường chỉ có tính chất cộng thêm. “Anh không thể nói trước nhà tôi có chỗ để xe thì tôi không cần làm chỗ đậu xe. Vấn đề ở đây thuộc tư duy kinh doanh. Theo tôi, một cơ sở dịch vụ rộng 500 m2 thì phải dành tối thiểu 250 m2 đậu xe, chỉ nên xây dựng 1/2 diện tích”, kiến trúc sư Nam Sơn nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên