Top

"Mổ xẻ" trục Thăng Long: Lãng phí hay táo bạo?

Cập nhật 16/06/2010 10:45

Hai luồng ý kiến này được các ĐB “mổ xẻ” trước Quốc hội ngày 15/6, khi thảo luận về một trong những nội dung tại Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có ý kiến cho rằng, không có lý do gì để xây dựng một tuyến đường đắt đỏ như vậy, nhưng ý kiến khác lại nói trục Thăng Long là một điểm nhấn rất quan trọng của quy hoạch chung Thủ đô…

Trục Thăng Long là… đường cụt

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: TTXVN)
ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, khi trụ sở của Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn ở Ba Đình và các khu vực xung quanh nội thành Hà Nội thì không có lý do gì để xây dựng một tuyến đường đắt đỏ như vậy - trong khi ở gần bên đã có 3 tuyến đường (đường 32, đường Láng - Hòa Lạc và quốc lộ số 6).

Mặt khác, việc xây dựng tuyến đường này sẽ chiếm diện tích đất trồng lúa tới hơn 1.000 hecta, như vậy trái với một trong các tư tưởng chủ đạo của đồ án là giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của Hà Nội (mở rộng).

ĐB Vũ Hồng Anh cũng phân tích, ý kiến cho là trục này để phát triển KTXH, vừa để phát triển giao thông, kết nối văn hóa giữa các vùng xứ Đoài và với Thăng Long là không có cơ sở, vì từ trước đến nay, trên thế giới không có nước nào và cũng không có ai chỉ bằng một trục đường thẳng có thể kết nối văn hóa giữa các vùng, miền.

ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai) thì cho rằng: “Trung tâm chính trị quốc gia nằm ở khu Ba Đình, vậy với trục Thăng Long này nếu thẳng đến Ba Vì thì tôi nghĩ đây là một… đường cụt, vô hình chung cả trung tâm chính trị quốc gia cũng như Thủ đô đều hướng về trung tâm hành chính quốc gia, liệu có nên không?”.

Còn theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), trục Thăng Long là một trục lãng phí, nên cân nhắc lại. Bởi vì cách 4km về phía phải và phía trái mình đã có đường Láng - Hòa Lạc rộng 140m rồi, bên này là đường 32 cũng rộng. “Những lý do đưa ra không thuyết phục”.

“Chúng tôi xin nhắc lại Báo cáo về đường sắt cao tốc cũng của Chính phủ nói rằng chúng ta có một khuyết điểm là đã quá tập trung vào phát triển giao thông đường bộ, làm cho phương tiện cá nhân tăng thêm, gây ách tắc... Đến báo cáo này vì muốn làm Trục Thăng Long ta nói phải phát triển giao thông thì tôi không biết sự thống nhất đó trong Chính phủ như thế nào?” – ĐB Thuyết nói.

Cũng theo ĐB Thuyết, nói nối hai vùng văn hóa thì đường Láng - Hòa Lạc rồi đường 32. Bây giờ có nhiều cách nối, nối bằng Internet cũng là một cách. ĐB này cũng cho rằng nếu xây trục Thăng Long nhằm tạo điểm nhấn mà mình tốn kém như thế thì không nên.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Rcom Sa Duyên trước đó, ĐB Thuyết cũng nhấn mạnh: Đường này (trục Thăng Long – PV) là đường cụt, “nó chọc thẳng vào Ba Đình, tức là vào Trung tâm nhà của chúng ta, Trung tâm của Thủ đô chúng ta về mặt phong thủy là người ta kiêng, không có con đường nào nó lại chọc thẳng vào cửa nhà như thế. Tôi xin đề nghị là cân nhắc”.

ĐB Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) còn thẳng thắn bày tỏ: “Nếu ta không đặt vị trí trung tâm hành chính ở Ba Vì thì không nên xây dựng con đường này”.

Xây dựng trục Thăng Long là một ý tưởng táo bạo

Trong khi một số ĐB không tán thành việc xây dựng trục Thăng Long thì cũng không ít ĐB lại đồng thuận.

ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) khẳng định trục Thăng Long là cần thiết, bởi đây sẽ là trục kết nối giữa khu vực trung tâm, vùng lõi với khu đô thị mới, hiện đại. Đây vừa là một trục có ý nghĩa giao thông cũng đồng thời vừa là một công trình văn hóa tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) nhấn mạnh, các TP nói chung, các TP là Thủ đô nói riêng rất cần có các đại lộ hướng tâm mặc dù hiện nay chúng ta có nhiều đại lộ hướng tâm, nhưng chúng ta chưa có một trục làm một điểm nhấn cho Thủ đô.

ĐB Hợp nhấn mạnh, ý tưởng xây dựng trục Thăng Long là một ý tưởng táo bạo nhằm thực hiện một mục tiêu kép (giao thông và hạ tầng kỹ thuật) và tạo được điểm nhấn về kiến trúc đô thị. “Phải có những tác phẩm kiến trúc hoành tráng mang sắc thái của Hà Nội” – ĐB Hợp nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Ảnh: Kiều Minh)
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP.Hà Nội) cũng cho là trục Thăng Long là một điểm nhấn rất quan trọng của quy hoạch chung. Đây không chỉ là con đường giao thông liên kết các đô thị vệ tinh, là trục phát triển trung tâm của thủ đô về dài hạn mà nó còn là trục gắn kết giữa văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài.

“Tuy nhiên, người dân cũng còn thắc mắc về ý nghĩa của trục đường này, sự cần thiết phải xây dựng nó khi đã có đường 32, đường Láng - Hòa Lạc. Ý nghĩa kinh tế, xã hội của con đường này là gì và sẽ có bao nhiêu hécta đất nông nghiệp phải thu hồi? Liệu con đường này sẽ có bao nhiêu dự án bám theo chiều dài của nó? Những ý kiến này từ cử tri tôi thấy rất cần có sự lý giải cụ thể và rõ ràng của tư vấn thiết kế” – ĐB Hường truyền đạt.

Với vai trò là thành viên xây dựng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ĐB Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) khẳng định, đối với trục Thăng Long trước tiên xác định là một trục về không gian, về kiến trúc cảnh quan đô thị, một trục để thực hiện mục tiêu kép, đó là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì.

“Hà Nội chúng ta có 7 trục, nhưng hiện nay để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch và của kiến trúc thì chúng ta chưa có. Đây chính là điều kiện và cơ hội để chúng ta tạo ra được quỹ đất để thực hiện trục này” – ĐB Nguyễn Thế Thảo nói.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, về việc trục Thăng Long nối Ba Vì với nội đô quá gần đường Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32 - trong đô thị thì hai con đường cách nhau 4 km không phải là gần.

Theo Bộ trưởng Quân, trục Thăng Long trong tương lai có nhiều ý nghĩa và chức năng, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề về giao thông còn tạo đặc trưng và điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho thủ đô.

Về ý kiến cho rằng xây dựng trục Thăng Long là quá lãng phí, Bộ trưởng nêu rõ: đoạn mở rộng, có cảnh quan đẹp tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị chỉ dài khoảng 3,5 km - còn lại là đường giao thông bình thường. Cùng với đó, trục Thăng Long được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu phát triển.

“Khi quy hoạch, bao giờ các nhà quy hoạch cũng muốn tìm điểm nhấn nào đó, ví dụ Washinton DC, có cả quảng trường hoành tráng. Đây là điểm nhấn đô thị, có nhiều chức năng ở trong đô thị. Nếu mình thấy hợp lý, là tốt thì làm” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News