Top

Đà Nẵng cần hơn 100.000 phòng khách sạn vào năm 2030

Cập nhật 17/12/2018 09:44

Năm 2030, tổng số nhu cầu phòng cơ sở lưu trú du lịch dự kiến là 109.051 phòng được phân bổ theo từng khu vực nhất định như khu vực trọng điểm (các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu), khu vực ven sông ven biển, khu vực trung tâm, khu vực các tuyến đường khác.

Khách sạn dọc biển Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Đây là một phần nội dung trong đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 mà Sở Du lịch báo cáo với lãnh đạo thành phố.

Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng mật độ phân bố những cơ sở lưu trú này theo từng khu vực và tuyến đường thuộc quận, huyện trên địa bàn thành phố trong mối tương quan giữa hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và các hạ tầng kỹ thuật khác cũng như cân đối cung - cầu thị trường.

Cụ thể, năm 2020, tổng số nhu cầu dự kiến là 40.610 phòng. Trong đó, khối 4-5 sao là 14.538 phòng, chiếm 35,8% tổng số phòng; khối 1-3 sao là 21.117 phòng, chiếm 52% tổng số phòng. Năm 2025, tổng số nhu cầu dự kiến là 74.435 phòng và năm 2030 là 109.051 phòng.

Theo lãnh đạo thành phố, cần có đánh giá chung về tốc độ phát triển của các cơ sở lưu trú hiện nay; xác định có hay không tình trạng mất cân đối giữa các loại hình lưu trú, sự khác nhau về tỷ lệ phòng và tốc độ tăng trưởng khách. Việc xác định được ngưỡng phát triển du lịch của Đà Nẵng; định hướng chất lượng khách, xác định loại hình khách, dòng khách ưu tiên… để đưa ra các loại hình lưu trú cho phù hợp cũng cần được thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng và là Phó Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho biết hiện nay về phòng khách sạn, cung đã vượt cầu, dẫn đến tình trạng mức bình quân giá phòng tại các khách sạn, resort từ 1-5 sao giảm nhiều so với mọi năm, thậm chí có những nơi giảm hơn 50%. Tỉ lệ phòng năm 2018 cũng ở mức thấp, bình quân 36,9%, có những thời điểm chỉ 29%. Theo ông Quỳnh, khi các phòng cơ sơ lưu trú được mở thêm, đặc biệt là condotel, cần phải có những biện pháp khơi thông thị trường như mở thêm chuyến bay, xúc tiến các thị trường mới tạo thuận tiện trong dịch vụ du lịch (miễn visa, sản phẩm du lịch)… thì mới mong cầu và cung cân bằng trở lại.

Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch thủy nội địa

Năm 2019, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nội địa; mở thêm các tour, tuyến mới; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch trên tàu và sản phẩm cho các hoạt động của du khách trên tàu, trên sông để khách thấy được sự hấp dẫn; phối hợp với các địa phương để xây dựng thêm sản phẩm tại điểm đến cho phù hợp. Việc rà soát tại các bến cho du thuyền mới tại cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu và dọc sông Hàn.

Được biết, hiện thành phố có 24 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 20 tàu hoạt động trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và 4 tàu phục vụ tuyến vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Năm 2018, có 10/24 tàu được đóng mới và đưa vào hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, năm 2018, Đà Nẵng đón khoảng 498.039 lượt khách đường sông, tăng 42% so với năm 2017 và dự kiến năm 2019 sẽ đón khoảng 595.880 khách, tăng 20% so với năm 2018 (do mở thêm tuyến vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà). Thị trường khách du lịch đường thủy chủ yếu là khách quốc tế (chiếm 90%; trong đó đa số là khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 85%, còn lại là khách nước khác chiếm 5%), khách nội địa chiếm 10%.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG