Top

Dự án “đất vàng” ở Hà Nội sau thu hồi sẽ làm gì?

Cập nhật 16/12/2018 09:06

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, sau khi thu hồi, kế hoạch sử dụng các khu đất này ra sao? Liệu TP Hà Nội có cho xây bãi đỗ xe, công viên cây xanh hoặc những công trình công cộng hay lại giao cho doanh nghiệp xây nhà cao tầng để bán và cho thuê?

Dự án Nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại 13 Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai) do Cty CP tư vấn thiết kế kiểm định và địa kỹ thuật làm chủ đầu tư nằm trong diện bị thu hồi

Mặc dù đến nay, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 16 dự án bỏ hoang tại 12 quận huyện nhưng đó chỉ là con số nhỏ trong tổng số hàng trăm dự án khác trên địa bàn chậm tiến độ mà vẫn chưa thực hiện việc thu hồi.

Đặc biệt, có những dự án chậm triển khai đến 20 năm như dự án Sông Hồng City tại địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Vậy nguyên nhân vì sao Hà Nội có quá nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa bị thu hồi, xử lý?

Nhà công vụ của Công an TP Hà Nội nằm phơi mưa phơi nắng gần 10 năm mà chưa đi vào hoàn thiện.

Theo lý giải của một số chủ đầu tư, việc chậm triển khai dự án có nhiều nguyên nhân như việc xin điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, thiết kế. Chủ đầu tư yếu kém về tài chính nên chậm triển khai giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, ở góc độ khác, giới chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân chính không phải nằm ở đó.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong một thời gian dài chúng ta chỉ biết có chuyện là giao đất cho nhà đầu tư được chỉ định. Chúng ta chỉ quan tâm đến việc giao đất để có những dự án đầu tư phát triển thậm chí có nhiều trường hợp gắn với tham nhũng. Khi giao rồi chúng ta cũng không quan tâm tới việc dự án đó triển khai như thế nào. Vì vậy, nhiều dự án” treo” đã không kịp thời xử lý điều này đã gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, Hà Nội hiện nay tổng kết lại có tới vài trăm dự án “treo”, có những dự án kéo dài 10 năm thậm chí 20 năm. Tôi cho rằng đó là những con số mà Hà Nội cần phải suy ngẫm để có thể đưa ra những quyết định kịp thời, không tiếp tục làm lãng phí quỹ đất nữa”.

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, việc thu hồi các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc là do, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất nên gặp rất nhiều khó khăn.

Một giải pháp để tránh tình trạng dự án “treo” như hiện nay cũng được GS Đặng Hùng Võ đưa ra đó là Nhà nước cũng nên xem xét việc đánh thuế với mức thuế suất cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Làm như vậy, nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng khu đất vừa thu hồi từ doanh nghiệp.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, thành phố có nên cho xây các bãi đỗ xe, công viên cây xanh - vốn là những không gian còn đang quá thiếu, thay vì giao cho các doanh nghiệp xây cao ốc, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Việc sử dụng như thế nào là câu chuyện của quy hoạch, chúng ta sẽ phân tích quy hoạch đô thị. Nếu quy hoạch hiện nay chưa phù hợp thì chúng ta cần có sự điều chỉnh. Sau khi điều chỉnh rồi, tôi cho rằng không phải cứ “đất vàng” là chúng ta sử dụng để làm nhà, để thu giá trị đất đai cao mà đối với đô thị thì các cơ sở văn hóa cũng có giá trị thậm chí là vô giá. Những nơi làm giao thông tĩnh, bãi để xe cần cân đối với lượng cư dân của đô thị. Khi thu hồi hàng loạt như vậy, chúng ta cần rà soát lại quy hoạch để trên cơ sở đó chúng ta sử dụng cho hợp lý đảm phát triển đô thị tốt nhất”.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng