Top

Thêm khu "đất vàng" được đấu giá

Cập nhật 18/05/2011 10:20

Bộ Tài chính khẳng định việc đấu giá Nhà khách Chính phủ sẽ được tổ chức công bằng; tổ chức - cá nhân trúng đấu giá phải thực hiện đúng theo quy hoạch của UBND TPHCM

Đấu giá nhà khách Chính phủ

Ngày 17.5, trao đổi với PV, một vị lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất số 1 Lý Thái Tổ, phường 1, quận 10 - TPHCM đã được thành lập. Khu đất rộng 37,488 m2, trong đó diện tích sàn xây dựng khoảng 7,020 m2, vốn là Nhà khách Chính phủ được sử dụng đón tiếp các đoàn khách của Trung ương và TP.

Mục đích bán: Theo quy hoạch của UBND TPHCM

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), cho biết việc đấu giá Nhà khách Chính phủ được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, ngày 25.1.2010, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 555/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong đó nêu rõ: Xét đề nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, UBND TPHCM, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp thành lập hội đồng đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với Nhà khách Chính phủ, số 1 Lý Thái Tổ.

Trước đó, trên cơ sở đề nghị của UBND TPHCM, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án đấu giá Nhà khách Chính phủ. Lý do vì công trình này chiếm diện tích đất rộng nhưng sử dụng không hiệu quả, công suất sử dụng thấp, tài sản xuống cấp. Việc bán, chuyển nhượng sẽ tạo ra mục đích sử dụng tốt hơn, huy động được nguồn lực từ nhà đất. Còn bán để làm gì sẽ theo quy hoạch của TPHCM.

Không để “đất vàng” lãng phí

Theo Bộ Tài chính, khu đất hiện có 8 biệt thự, trong đó một biệt thự đã hư hỏng, không còn sử dụng, 7 biệt thự gần như không được sử dụng dẫn đến tình trạng lãng phí hơn chục năm nay. Theo Bộ Tài chính, khu đất có giá trị thương mại lớn, nếu được đầu tư đồng bộ và đúng mức sẽ tạo ra một điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị của TPHCM, góp phần chỉnh trang đô thị cũng như tạo nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước hiện đang được tích cực triển khai trên phạm vi cả nước.

Trước tình hình đó, cơ quan quản lý khu đất là bộ Ngoại giao đề xuất bộ Tài chính phương án xử lý. Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng Chính phủ và được chấp nhận. Hiện nay, Bộ Tài chính cùng Bộ Ngoại giao đang khẩn trương chuẩn bị các khâu cần thiết như giải phóng mặt bằng, di dời các cơ quan, đơn vị hiện hữu… tuy nhiên, hiện vẫn còn chờ công bố quy hoạch phân khu và các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc của UBND TPHCM để làm căn cứ xác định giá khởi điểm và mời đấu giá.

Khu đất số 1 Lý Thái Tổ (quận 10 - TPHCM) hiện như một công viên lớn, cung cấp mảng xanh cho bốn quận: 1, 3, 5, 10. Ảnh: Tấn Thạnh

Bộ Tài chính khẳng định việc đấu giá sẽ được tổ chức công bằng, cá nhân - tổ chức trúng đấu giá phải thực hiện đúng theo quy hoạch của TPHCM. “Nếu trong quy hoạch của TPHCM, khu vực này không được xây dựng lại mà chỉ sửa sang, bảo tồn biệt thự cũ thì cá nhân - tổ chức cũng chỉ được trùng tu, bảo tồn biệt thự mà thôi!”- một vị lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quy hoạch chung, quận 10 đã được phê duyệt từ trước, khu đất trên được định hướng để làm khu nhà công vụ thấp tầng. Tuy nhiên, hiện nay, theo điều chỉnh quy hoạch của quận 10, trong nhiệm vụ quy hoạch vẫn chỉ ghi nhận hiện trạng khu đất trên là Nhà khách Chính phủ, ngoài ra chưa có một định hướng nào khác.

Trước đó, năm 2009, Bộ Xây dựng cũng từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng nhà ở công vụ gắn với trụ sở văn phòng đại diện của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại khu đất nói trên. Lý do Bộ Xây dựng đưa ra là địa điểm này đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí: đất đã được giải phóng mặt bằng (đất sạch), có cơ sở hạ tầng đồng bộ, có điều kiện tốt về an ninh, an toàn và cảnh quan… phù hợp để giải quyết nhu cầu sử dụng văn phòng đại diện tại TPHCM cho khoảng 2,000 người.

Tiếc nuối !

Trước thông tin bán đấu giá khu đất số 1 Lý Thái Tổ khiến kiến trúc sư Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, cảm thấy tiếc nuối vì khu đất này có một sự hoàn chỉnh về quy hoạch với mảng xanh nối liền khu nhà ở thấp tầng, góp phần tạo ra một không gian sống cho người dân TP. “Chỉ có Nhà nước mới thực sự chú trọng vào các công trình hạ tầng xã hội, còn doanh nghiệp thì lợi ích kinh tế luôn đặt lên hàng đầu nên tôi e rằng khi khu đất này rơi vào tay các doanh nghiệp thì khó lòng mà giữ được đầy đủ mảng xanh. Chưa kể, nếu nhà đầu tư xây dựng các địa điểm kinh doanh thì khác nào kéo dân về khu vực trung tâm, khi hiện nay TP đang có chủ trương đầu tư hạ tầng cho các khu vực ngoại thành, vùng ven để giảm bớt áp lực dân số và công trình xây dựng cho nội thành” - kiến trúc sư Lê Văn Năm lưu ý.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng nhận định: Diện tích sàn xây dựng nhỏ trong tổng diện tích đất rộng nên khu đất trên được xem như một công viên lớn, tạo ra khoảng thở đô thị cho bốn quận: 1, 3, 5, 10; trong bối cảnh TPHCM thiếu quá nhiều mảng xanh thì khu vực này càng không thể xây dựng nén. Ngược lại, nếu xây dựng nén với mật độ xây dựng quá lớn trên khu đất 3.7 ha này sẽ phát sinh thêm điểm nóng về giao thông.

“Được biết, trong khu vực này, hiện TP đang thu hồi đất thuộc khuôn viên Trường Lê Hồng Phong bị lấn chiếm để hình thành trung tâm giáo dục TPHCM và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, trường Lê Hồng Phong đã được đưa vào di tích cần bảo tồn nên không đáp ứng được yêu cầu hạ tầng của một trung tâm giáo dục lớn. Và khu đất số 1 Lý Thái Tổ sẽ là “ứng cử viên” sáng giá cho mục đích này. Vả lại, với mật độ xây dựng thấp nhất, công trình trường học sẽ giữ được mảng xanh cho TP. Nếu cho rằng khu đất trên đang bị sử dụng lãng phí, đem bán đấu giá để kêu gọi đầu tư có hiệu quả kinh tế hơn thì nên đầu tư vào giáo dục - lĩnh vực được xem là đầu tư hiệu quả nhất hiện nay? Chưa kể, cụm biệt thự này nằm trong danh sách nhóm biệt thự cần bảo tồn theo thông báo số 46, năm 1996 của UBND TPHCM, nên hơn ai hết TP phải hành động đầu tiên để bảo vệ cảnh quan đô thị. chủ trương của TP mình, tốt nhất là mua lại hoặc hoán đổi mặt bằng…” - ông Lưu nói.

“Lai lịch” khu đất

Theo nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc, khu đất số 1 Lý Thái Tổ gồm 8 căn biệt thự được xây dựng khoảng những năm 1950 theo kiểu Pháp. Chủ nhân là một thương gia bất động sản người Hoa tên Hứa Bổn Hòa (thường gọi chú Hỏa).

Đến năm 1975, Bộ Ngoại giao tiếp quản khu biệt thự này. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc quản lý sử dụng các nhà khách Chính phủ thì nhà khách số 1 Lý Thái Tổ có nhiệm vụ: thực hiện các hoạt động lễ tân đối ngoại của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng Chính phủ, phó chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng Bộ Ngoại giao; các cuộc hội đàm, ký kết văn kiện, chiêu đãi chính thức do cấp bộ trưởng trở lên chủ trì; các cuộc đón tiếp, bố trí ăn ở, sinh hoạt và làm việc đối với các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội hoặc cấp tương đương và người đứng đầu các tổ chức quốc tế quan trọng…



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động