Khép lại năm 2015, xuất khẩu xi măng (XM) dừng lại ở con số 16,5 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2014. Với những người xuất khẩu XM thì đây là một năm nhiều cảm xúc: Hy vọng tràn đầy vào những tháng đầu năm và vô cùng lo âu trong những tháng cuối năm.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
|
Nhìn vào bức tranh tiêu thụ XM trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tương ứng các con số: Năm 2011 là 43,26 triệu tấn và 6 triệu tấn; năm 2012 là 47,51 triệu tấn và 8,1 triệu tấn; năm 2013 là 46,4 triệu tấn và 15,1 triệu tấn; năm 2014 là 50 triệu tấn và 21,1 triệu tấn; năm 2015 là 55,6 triệu tấn và 16,5 triệu tấn. Các con số này cho thấy tiêu thụ XM nội địa luôn tăng, còn xuất khẩu có thể tăng giảm không ổn định.
Tiếp đà thắng lợi của năm 2014 khi ngành XM xuất khẩu thành công 21,1 triệu tấn XM ra thị trường nước ngoài, năm 2015 chúng ta đặt kỳ vọng xuất khẩu tương ứng với năm 2014. Đầu năm xuất khẩu XM khá thuận lợi nhưng gần cuối năm doanh số và giá trị ngoại tệ thu được từ xuất khẩu XM đều giảm.
Đối thủ lớn nhất của xuất khẩu XM Việt Nam chính là XM Trung Quốc. Với tổng sản lượng lên tới 2,5 tỷ tấn XM, chiếm 60% sản lượng XM toàn cầu, giá chào xuất khẩu rẻ hơn Việt Nam từ 3 - 4 USD/tấn đã khiến các DN xuất khẩu XM của nước ta lao đao, lo lắng.
Là DN XM lớn nhất cả nước, nắm giữ trên 35% thị phần XM trong nước nhưng trong năm 2015 TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chỉ xuất khẩu được trên 2 triệu tấn (cả XM và clinker), thu về 15,4 triệu USD, trong khi tổng sản phẩm xuất khẩu của VICEM năm 2014 là gần 3,5 triệu tấn.
Chủ tịch HĐTV VICEM Lương Quang Khải cho biết: VICEM có thể đạt được sản lượng xuất khẩu nếu hạ giá theo đề nghị của đối tác. Nhưng nếu VICEM hạ giá xuất khẩu sẽ tạo cơ hội để các đối tác ép giá các DN xuất khẩu khác của Việt Nam nên VICEM không xuất khẩu bằng mọi giá.
2 DN có tiềm lực về xuất khẩu XM là VICEM và The Vissai đều cho rằng xuất khẩu XM năm 2016 sẽ tiếp tục khó khăn và trong những năm tới thị trường xuất khẩu của chúng ta có thể sẽ bị Trung Quốc thâu tóm do giá xuất khẩu clinker của Trung Quốc khoảng 31 USD/tấn.
Chính những rào cản trong xuất khẩu như DN xuất khẩu XM nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp, chưa ký được hợp đồng dài hạn, phải bán hàng qua khâu trung gian, giá xuất khẩu cao hơn, logictic cho xuất khẩu XM còn kém… đã khiến chúng ta khó cạnh tranh với thương hiệu XM của nước láng giềng.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, giá trị xuất khẩu của XM không cao nên xuất khẩu XM cần có mức độ và cần đẩy mạnh tiêu thụ XM trong nước. Bản thân các DN XM cũng kỳ vọng sẽ đẩy mạnh lượng XM tiêu thụ nội địa trong năm tới khi thị trường BĐS bắt đầu có những chuyển biến tích cực, đầu tư hạ tầng của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: