Top

Cấp phép xây dựng vẫn đòi nhiều giấy tờ thừa

Cập nhật 24/04/2014 10:25

“Đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng ra khỏi dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Bây giờ đi đâu cũng nghe giấy phép, đi ngược lại trào lưu của thế giới.

Ở các nước quy hoạch là công khai, người dân chỉ đăng ký là được xây dựng chứ không có giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch như ta” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, đề nghị tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Xây dựng sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổ chức ngày 23-4.

Ông Châu cho rằng trong những trường hợp được miễn phép xây dựng được nêu tại dự luật, không có đối tượng “dự án đã được duyệt QH 1/500 và có mẫu nhà được phê duyệt là cực kỳ vô lý”. Thực tế tại TP hiện nay đang có những dự án thuộc diện này nhưng chưa xây dựng, thậm chí có dự án chỉ còn vài nền chưa xây. Theo quy định tại Nghị định 64/2012, các dự án này phải xin phép xây dựng lại từ đầu với những yêu cầu mới khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Một số chủ đầu tư đã gửi đơn khiếu nại cho rằng họ bị hồi tố sai và bất lợi. Thế nhưng dự thảo Luật Xây dựng vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm này.

Về hồ sơ xin phép xây dựng, dự luật bỏ lửng quy định “yêu cầu có bản vẽ thiết kế” đối với nhà ở riêng lẻ, một yêu cầu đang bị phản ánh là thừa, gây tốn kém cho dân trong khi cán bộ cấp phép chỉ xem cho biết. Dự luật giao việc này cho Bộ Xây dựng quyết định. “Đề nghị khi Bộ hướng dẫn thì cần bỏ quy định này” - ông Châu góp ý và được sự đồng tình của TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng tất cả công trình cần phải có giấy phép xây dựng (trừ những trường hợp được miễn theo quy định) là cần thiết vì trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-xã hội ở Việt Nam khác các nước. “Vấn đề là thủ tục cấp phép như thế nào cho nhanh gọn, đơn giản” - ông bày tỏ. Tuy nhiên, ông Lịch nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được luật hóa những quy định bất cập trên thực tế tại các nghị định hiện hành”. Theo ông, quan trọng nhất là công khai quy hoạch và quản lý được hoạt động xây dựng. Dự luật yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình lân cận. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho rằng không cần có thêm văn bản này, vì dự luật đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ đầu tư khi gây ảnh hưởng công trình lân cận, luật dân sự cũng đã có quy định điều chỉnh.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TPHCM