Top

Xây đường cao tốc và tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi măng

Cập nhật 24/12/2008 08:10

Đầu năm 2008, mặc dù được dự báo về tổng nguồn cung không khan hiếm, song thị trường xi măng (XM) vẫn chứng kiến những cơn "sốt" cục bộ do khan hiếm nguồn hàng chủ yếu tại phía nam và giá cả tăng đột biến do khan hiếm.

Năm 2009, Bộ Xây dựng tuyên bố lượng cung XM đã bão hoà, và đang dự trù phương án kích cầu XM. Có thể thấy trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, các dự án XM lần lượt cho ra lò, thị trường lại chứng kiến sự đảo chiều khiến giá XM tụt dốc?

Bão hoà xi măng

Năm 2008, Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu XM khoảng 39,7- 41 triệu tấn, tăng 11-13% so với năm 2007. Theo đó để đáp ứng nhu cầu trong nước, phải nhập khẩu (NK) từ 3,5- 4 triệu tấn clinker. Tuy nhiên, thực tế năm 2008 toàn ngành chỉ tiêu thụ 39,9 triệu tấn và NK clinker ước đạt 3,7 triệu tấn.

Trong năm 2008, đã có khoảng 10 nhà máy (NM) XM với tổng công suất 11,93 triệu tấn đi vào hoạt động. Bộ Xây dựng dự báo, năm 2009, tổng nhu cầu XM cả nước sẽ lên 44 - 45,5 triệu tấn, tăng 10 - 11,5% so với năm 2008. Trong đó, riêng TCty XM VN sản xuất từ 16,5- 17 triệu tấn; các liên doanh từ 13- 13,5 triệu tấn; các NM XM lò đứng, trạm nghiền địa phương từ 14,5- 15 triệu tấn.

Trong năm 2009, dự kiến sẽ có khoảng 18 dự án XM với tổng công suất 20,47 triệu tấn hoàn thành xây lắp và đưa vào hoạt động. Vì vậy, đến hết năm 2009, tổng công suất các NM XM lò quay trong toàn quốc đạt 56,8 triệu tấn, cùng với 3 triệu tấn công suất XM lò đứng hiện đang hoạt động, tổng công suất của ngành XM đạt gần 60 triệu tấn. Khả năng sản xuất năm 2009 đạt 45-46 triệu tấn.

Cân đối cung cầu sản xuất - tiêu thụ, Bộ Xây dựng khẳng định: Lần đầu tiên, năng lực sản xuất XM trong nước đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, không còn hiện tượng thiếu về nguồn.

Từ năm 2010 trở đi, cả nước sẽ không phải NK clinker do các dự án mới đang xây dựng sẽ tiếp tục đi vào hoạt động và lượng XM dư thừa sẽ phải tìm kiếm thị trường XK. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cảnh báo, khả năng trong quý I/2009, cả nước vẫn có khoảng vài trăm nghìn tấn clinker được NK, do các dây chuyền sản xuất chưa ổn định.

Lượng tồn kho XM trong các tháng đầu năm khoảng 2 triệu tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể lên tới 3 triệu tấn/tháng.

Kích cầu xây dựng hạ tầng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mặc dù cung cầu XM sẽ bão hoà, nhưng do sự phân bố không đồng đều về nguồn nguyên liệu, hầu hết các NM XM đều được xây dựng tập trung tại phía bắc, tại phía nam tính đến thời điểm năm 2009, mới chỉ có 4 NM XM lò quay (gồm Hà Tiên 2, Holcim VN, XM Tây Ninh; Bình Phước) và 1 NM XM lò đứng tại Bình An (Kiên Giang) nên có khả năng thiếu nguồn cục bộ do việc vận chuyển không kịp thời.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ XM các tỉnh phía nam thường cao hơn phía bắc. Thống kê trong 5 năm trở lại đây, thị trường phía nam chiếm từ 38 - 40% nhu cầu XM cả nước. Dự kiến năm 2009, các DN phía bắc phải vận chuyển vào nam từ 12- 12,5 triệu tấn và sẽ còn tăng dần từ 17-18 triệu tấn vào năm 2015.

Để khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu XM tại khu vực phía nam, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các Cty, NM phía bắc có kế hoạch cụ thể vận chuyển clinker và XM vào Nam tiêu thụ.

Đặc biệt để không xảy ra hiện tượng sốt XM cục bộ như đã từng xảy ra vào đầu năm 2008, bộ yêu cầu các Cty sản xuất clinker phía bắc cần tính toán giá bán hợp lý, tạo điều kiện cho các trạm nghiền phía nam có thể mua clinker từ phía bắc vào thay thế, thay vì sẽ phải NK từ các nước Đông Nam Á. Riêng Tổng Cty XM, bộ yêu cầu thành lập Cty cổ phần vận tải clinker, XM Bắc-Nam để chủ động giá vận tải làm giảm chi phí trong giá thành XM.

Giải pháp kích cầu thị trường XM cũng được Bộ Xây dựng tính đến. Theo đó, cuối năm 2009, năng lực sản xuất XM trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và sang năm 2010 khả năng sản xuất sẽ cao hơn nhu cầu tiêu thụ khoảng 5 - 7 triệu tấn, do vậy, Bộ Xây dựng đang yêu cầu Tổng Cty XM và các liên doanh chủ động xúc tiến việc tìm kiếm thị trường XK để đảm bảo sản xuất ổn định; đầu tư hệ thống giao thông đường bộ bằng bêtông XM, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, đường qua khu vực thường xảy ra lũ lụt, lũ quét, đường ven biên giới, nhằm nâng cao tuổi thọ công trình; đẩy mạnh đầu tư phát triển vật liệu xây dựng không nung thay thế một phần gạch ngói, đất sét nung.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động