Top

Ngành đá ốp lát: Cơ hội và thách thức

Cập nhật 16/12/2008 13:39

Với trữ lượng khoáng sản nguyên liệu dồi dào, thị trường trong nước và quốc tế rộng mở, ngành khai thác, sản xuất và chế biến đá ốp lát Việt Nam có tiềm năng lớn. Lượng đá ốp lát tiêu thụ nội địa ở nước ta tăng hàng năm từ 25 - 30% và trong tương lai là thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, ngành sản xuất này còn phải đương đầu với nhiều khó khăn do công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý, khai thác yếu và thiếu.

Thị trường mở

Những năm gần đây, ngành đá ốp lát Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, từ sản lượng 0,2 triệu m2 vào năm 1990, đến nay đã tăng lên 6,5 triệu m2, (gấp 32 lần). Nhiều trung tâm khai thác chế biến đá ốp lát đã hình thành ở các địa phương, nổi bật nhất là tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, miền Đông Nam Bộ… Sản phẩm đa dạng và phong phú về màu sắc, kích thước. Không chỉ lưu thông trên thị trường nội địa, sản phẩm đá ốp lát Việt Nam còn có mặt ở 85 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt trên 99 triệu USD, gấp 7,2 lần so với năm 2001, tốc độ tăng trưởng bình quân 38,5%/năm.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của các chủ xí nghiệp, 6 vùng Tây Bắc, Đông Bắc Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ có 325 mỏ, với trữ lượng 37 tỷ m3). Trữ lượng đá lớn này có thể được khai thác, chế biến thành hàng trăm tỷ m2 đá ốp lát phục vụ xây dựng đất nước và xuất khẩu lâu dài. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ đá ốp lát ngày càng mở rộng theo khuynh hướng “kiến trúc thân thiện với môi trường”. Theo đánh giá của Vụ Quản lý Vật liệu (Bộ Xây dựng), nhu cầu của ngành này sẽ đạt gấp đôi trong 5 năm tới và tăng từ 4 - 7 lần đến năm 2020.

Yếu và thiếu về năng lực, kỹ thuật

Kim ngạch xuất khẩu đá ốp lát của nước ta trong những năm qua tuy có tăng trưởng nhanh, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé so với kim ngạch xuất khẩu toàn cầu (từ 0,23 - 0,793%). “Chất lượng đá trong nước nhìn chung chưa cao. Đá xanh (bluestone) của Thanh Hoá màu sắc không đồng đều do khai thác ở nhiều khu vực mỏ khác nhau, chất liệu khác biệt so với yêu cầu về kỹ thuật (chỉ 20% đạt yêu cầu), đá bị om, rạn... bao bì không đảm bảo bảo vệ đá. Đá Cristal White của Nghệ An, Yên Bái là đá trắng nhưng đủ màu sắc vân vệt, đá bị ố, chuyển màu do không được xử lý chống thấm” - Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Tổng Giám đốc Cty liên doanh Vinastone nhận xét.

Nguyên nhân của tình trạng này do đa số các mỏ đá được cấp cho các chủ, xí nghiệp nhỏ không đủ năng lực, tổ chức khai thác manh mún, khai thác theo phương pháp thủ công, không có thiết kế, không theo đúng quy chuẩn khai thác mỏ đá ốp lát mà tiến hành khoan nổ bắn mìn nên phá nát làm rạn nứt khối đá, phá nát mỏ đá, do đó không thu được đá chất lượng tốt, khối lượng lớn. Nguồn nhân lực của ngành tuy dồi dào nhưng chủ yếu không qua đào tạo, thiếu lao động kỹ thuật cao, nhân lực quản lý DN còn yếu, chưa đồng bộ.

TS Hà Văn Lê, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: “Tính chất quản lý khai thác mỏ nằm ở các địa phương không có ranh giới rõ ràng và chạy theo lối thu nhập chộp giật cho nên dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, quản lý lỏng lẻo. Hậu quả là tài nguyên bị tàn phá, huỷ hoại nhiều năm. Sản phẩm chủ yếu bán ở dạng thô không qua chế biến hoặc chế biến sơ sài, gây lãng phí tài nguyên một cách trầm trọng”.

Về công nghệ, kỹ thuật chế biến đá, TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhận định: “Đa số xí nghiệp nhỏ dùng công nghệ cũ, kết hợp cơ giới và thủ công sản xuất sản phẩm kích thước nhỏ, chất lượng không đồng nhất, thiếu sức cạnh tranh, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không vào được các công trình xây dựng cao cấp.” Căn cứ vào thực trạng sản xuất đá ở địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Đá ốp lát Thanh Hoá - KS Trần Tiến Quân thừa nhận: “Các DN ngành đá Thanh Hoá chưa đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, chế biến. Do vậy, giá trị sản phẩm chưa thật sự đúng tầm với chất lượng nguyên liệu, làm giảm giá trị hàng xuất khẩu”.

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, để có thể phát triển bền vững trong tương lai, ngành khai thác, sản xuất, chế biến đá ốp lát cần được quan tâm điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đảm bảo hài hoà 3 lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng