Được đầu tư hơn 12,6 tỉ đồng, xây dựng hoàn thành bàn giao hơn hai năm nay nhưng chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, Bến Tre) vẫn đóng cửa do không có đường cho xe lớn ra vào.
Chợ đầu mối trái cây Sơn Định được xây dựng trên diện tích hơn 1,1 ha, kinh phí xây dựng hơn 12,6 tỉ đồng. Công trình do dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QEAP) tài trợ.
Chợ đầu mối trái cây Sơn Định được xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang hơn hai năm nay.
|
Chợ được xây dựng hoành tráng, kết cấu hạ tầng khang trang với đầy đủ các hạng mục, thiết bị hiện đại như: khu sơ chế, khu đóng gói, kho lạnh, kho mát, hệ thống sân bãi, nhà lồng, bến thủy, bờ kè bảo vệ, tường rào… Tháng 11-2016, UBND huyện Chợ Lách bàn giao chợ đầu mối trái cây Sơn Định cho UBND xã Sơn Định quản lý. Khu chợ tọa lạc tại vị trí đắc địa, thế nhưng từ ngày hoàn thành đến nay chợ vắng vẻ, không một bóng người ra vào.
Theo một số hộ dân sống dọc huyện lộ 31 (ấp Thới Lộc, xã Sơn Định): “Suốt hơn hai năm qua khu chợ chưa hoạt động ngày nào. Từ lúc xây dựng hoàn thành đến nay chính quyền và ngành chức năng có kêu gọi doanh nghiệp, chủ vựa trái cây vào chợ nhưng do không có đường cho xe lớn vận chuyển trái cây nên không ai chịu vào”.
Người dân tiếc nuối vì bị thu hồi đất xây chợ xong lại bỏ hoang gây lãng phí.
Xung quanh tường rào cổng chợ cỏ mọc um tùm.
Do bị bỏ hoang nhiều năm nên cỏ mọc ùm tùm phía trước cổng tường rào của chợ. Bà Phạm Thị Lệ (người dân sống gần chợ đầu mối trái cây Sơn Định) luyến tiếc nói, gia đình bà trước đây chỉ có hai 2.000 m2 đất trồng bưởi da xanh, chôm chôm và một cái nền nhà để ở. Trước đó, mỗi năm gia đình bà Lệ thu lợi từ vườn cây ăn trái hàng trăm triệu đồng.
Nhưng từ khi bị thu hồi toàn bộ mảnh vườn trái cây 2.000 m2 đất làm chợ, gia đình bà Lệ mất đi nguồn thu nhập lớn từ vườn cây, chỉ còn duy nhất cái nền nhà để ở. “Lúc đó địa phương có nói là thu hồi đất để xây chợ dù không đồng ý nhưng gia đình tôi buộc phải giao đất. Tưởng chợ trái cây xây xong sẽ hoạt động đâu ngờ bỏ hoang, lãng phí như vậy” - bà Lệ chua xót nói.
Lục bình bám đầy bến bãi khu vực chợ trái cây Sơn Định.
Ông Trần Văn Đém, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, cho biết do trước đây quốc lộ (QL) 57 đường còn xấu, chưa được mở rộng, chưa có cầu Chợ Lách mới nên phần lớn người dân vận chuyển trái cây chủ yếu bằng đường sông. Thời điểm đó địa phương nhận thấy việc đầu tư xây chợ đầu mối trái cây ven sông Tiền rất thuận tiện, đồng thời dự kiến sẽ mở tuyến huyện lộ 31 vô chợ đầu mối. Tuy nhiên, sau này QL57 và cầu Chợ Lách mới mở ra, nhiều thương lái, chủ vựa trái cây, doanh nghiệp phần đông họ mở cơ sở dọc theo QL57 bởi giao thông thuận lợi nên không ai chịu vào chợ trái cây bên trong.
Cũng theo ông Đém, hiện chỉ có một con đường đi vào chợ đầu mối trái cây Sơn Định là huyện lộ 31 nhưng tuyến lộ này mặt đường nhỏ xe container không vào được. Để đưa chợ vào hoạt động, thời gian qua huyện cũng đã đầu tư mở tuyến huyện lộ 31 nhưng do thiếu vốn nên công trình đang thi công dở dang đã phải tạm dừng.
Trong tương lai, huyện cũng sẽ tiếp tục xin đầu tư tiếp tục thi công tuyến huyện lộ 31 hoành chỉnh, đồng thời xin vốn Trung ương để xây mới tuyến huyện lộ 32 từ QL57 đến chợ đầu mối trái cây Sơn Định.
“Hiện ban quản lý chợ đã cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre) thuê kho bãi để tập kết, bảo quản trái cây. Đồng thời, UBND huyện đã bàn giao công trình lại cho ban quản lý chợ quản lý và tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp vào chợ” - ông Đém cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: