Mặc dù thừa nhận đã bị rất nhiều “gạch đá” sau khi phát ngôn phá bỏ phủ Thành Chương là rất phí, nhưng Bí thư UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tiếp tục cho rằng, nên lưu giữ và tạo ra cơ chế hợp pháp để phủ này tiếp tục hoạt động, thu hút khách du lịch…
Biệt thự nhà Mỹ Linh: Sai đến đâu xử đến đó
Bên lề kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội chiều 4/12, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, biệt thự của ca sỹ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương đã được kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 chỉ rõ. Hiện nay, huyện đang chờ kết luận của Thanh tra thành phố để có hướng xử lý.
Ông Phương cho biết, công trình biệt thự của ca sỹ Mỹ Linh đã có sổ đỏ và trong sổ hiện nay cho xây dựng là 400 m2 đất làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, 11.600 m2 đất còn lại vẫn là đất rừng.
"Nhưng hiện nay công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng với tổng diện tích 538,6m2. Số diện tích xây dựng vượt quá là hơn 138 m2. Hiện cơ quan thanh tra đang làm và sẽ kết luận cả việc cấp sổ đỏ cũng như các vấn đề liên quan”, ông Phương nói và khẳng định, sau khi có kết luận Thanh tra, huyện sẽ thực hiện nghiêm túc.
Ông Phương nhấn mạnh: “Hãy coi ca sĩ Mỹ Linh như là một công dân. Sai đến đâu xử đến đấy và khi đã có kết luận sẵn sàng thuyết phục để mọi người tự nguyện khắc phục chứ không phải cưỡng chế...".
Nên tạo cơ chế để Việt Phủ Thành Chương tiếp tục hoạt động
Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với Việt phủ Thành Chương, ông Phương cho biết, hiện huyện Sóc Sơn đang chờ kết luận cuối cùng của của Thanh tra để có hướng xử lý.
Trước câu hỏi về việc từng trả lời báo chí cho rằng nếu phá công trình Việt phủ Thành Chương thì rất phí, Bí thư Sóc Sơn cho biết bản thân ông có nói như vậy. Ông Sơn cho rằng, đây là công trình văn hóa Việt cổ hiếm, với những con chó đá có tuổi đời mấy trăm năm và nhiều khách du lịch, nhất là quốc tế đã đến đây, coi như một tour du lịch giới thiệu văn hóa Việt cổ.
"Nếu nói phá thì mình là người vô cảm, thế nhưng cũng phải trên cơ sở pháp luật. Nếu sau này, mình thấy văn hóa đó cần phải lưu giữ nên tạo ra cơ chế hợp pháp cho bản thân người ta làm cũng cảm thấy yên tâm chứ không 5 - 7 năm lại lôi ra một lần, lại thanh tra các thứ. Việc này, không những mệt chính quyền mà bản thân người làm cũng sẽ thấy không yên tâm” - ông Phương nói.
“Chính vì vậy, tôi nói câu chuyện phá rất phí là như thế", ông Phương giải thích về phát ngôn trước đó, đồng thời cho biết thêm, lần trước, sau khi ông nêu ý kiến đã nhận được rất nhiều "gạch đá” và “có thể xây nhà 20 tầng".
"Tôi nói việc phá công trình việt phủ Thành Chương đi rất phí là đúng, bởi mình không thể vô cảm, phải có sự nhìn nhận. Việc phá đơn giản, chỉ cần chiếc máy xúc vào vài tiếng là xong, nhưng chúng tôi cũng mong qua việc thanh tra toàn diện, các cấp chính quyền có sự nhìn nhận, xử lý phù hợp và nếu có sai phạm, buộc phải xử lý thì có thể tạo ra cơ chế như về đất hợp pháp để người ta chuyển về, yên tâm làm. Còn chắc chắn Huyện sẽ chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra và nghiêm túc thực hiện", ông Phương nói rõ.
Ông Phương cũng cho biết, ông ủng hộ ý kiến Hà Nội nên mua lại Việt phủ Thành Chương.
Liên quan việc cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng tại xã Minh Phú, Bí thư Sóc Sơn cho biết, theo kế hoạch ban đầu trong tháng 11 vừa qua sẽ thực hiện xong. Tuy nhiên, sau khi huyện có kế hoạch thì UBND Thành phố có quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn nên tất cả các hoạt động khác phải dừng lại để chờ kết luận thanh tra.
Đối với 18 công trình vi phạm ở xã Minh Phú, Bí thư Sóc Sơn cho biết hiện đã có 5 công trình tự tháo dỡ, còn lại các công trình khác vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra thành phố, sẽ công bố trong tháng 1/2019 để thực hiện kế hoạch xử lý.
Về vụ việc này, ông Nguyễn An Huy, Chánh thanh tra Thành phố cho biết, Thanh tra thành phố vẫn đang làm việc đúng quy trình, trình tự về thời gian mà luật pháp quy đinh. Theo đó, thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày, sau đó đoàn thanh tra viết báo cáo trong thời gian 30 ngày.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: