Phần lớn nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. |
Hôm Chủ nhật 8-8, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách 2.087 nhà máy phải đóng cửa - trong đó có 762 nhà máy xi măng, 279 nhà máy giấy, 175 nhà máy thép, 192 nhà máy hóa chất và một số nhà máy nhôm.
Những địa phương có nhiều nhà máy bị đóng cửa nhất là tỉnh Hồ Nam ở miền Trung và tỉnh Thiểm Tây ở miền Bắc - những trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc - mỗi tỉnh có hơn 200 nhà máy các loại phải ngừng hoạt động.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, đến cuối tháng 9-2010, bộ này sẽ rút giấy phép xả thải, sau đó ngành điện sẽ ngừng cung cấp điện và ngân hàng sẽ từ chối giao dịch với các nhà máy trong danh sách kể trên.
Theo bộ này, lý do đóng cửa các nhà máy này là do chúng sử dụng công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Các quan chức Trung Quốc thừa nhận ngành công nghiệp của họ tiêu thụ năng lượng nhiều gấp 3,4 lần mức bình quân của thế giới. Từ năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành nước tiêu thụ nhiều điện năng nhất thế giới dù tính theo đầu người họ vẫn còn kém xa các nước phát triển.
Trung Quốc cho biết, việc đóng cửa hơn 2.000 nhà máy nói trên nhằm cải thiện tình hình sử dụng năng lượng theo chỉ tiêu nêu trên, song theo giới phân tích, đây không phải là sự kiện mới mà được thực hiện theo định kỳ trong vài năm gần đây nhằm tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp nặng sau thời kỳ phát triển ồ ạt và hỗn loạn. Ngành sắt thép là một minh chứng.
Báo cáo “Quy hoạch điều chỉnh và chấn hưng ngành thép năm 2009-2010” của Chính phủ Trung Quốc do Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh gửi về, cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này là 21,1%/năm, cao gấp đôi mức tăng GDP, cho nên chỉ sau hai thập niên, Trung Quốc trở thành nước sản xuất và tiêu thụ nhiều sắt thép nhất thế giới.
Năm 2008, nước này sản xuất 500 triệu tấn thép, bằng 38% tổng sản lượng thép toàn thế giới, xuất khẩu 60 triệu tấn, bằng 15% tổng lượng thép thương mại toàn cầu. Cũng trong năm 2008, tổng công suất của các nhà máy thép Trung Quốc đã lên tới 660 triệu tấn, gấp rưỡi khả năng tiêu thụ 453 triệu tấn của thị trường Trung Quốc.
Sự phát triển ồ ạt của ngành sắt thép Trung Quốc dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng, chẳng hạn như thường xuyên bị khủng hoảng thừa, chỉ sản xuất được sắt thép có phẩm cấp thấp, các chủng loại sản phẩm cao cấp vẫn phải nhập khẩu, các nhà máy thép Trung Quốc có quy mô nhỏ, bình quân công suất chưa tới 1 triệu tấn/nhà máy, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc không có nhiều tài nguyên quặng sắt, phải nhập khẩu hơn 69% nhu cầu nguyên liệu và việc cạnh tranh mua nguyên liệu của Trung Quốc đã đẩy giá quặng sắt thế giới liên tục tăng cao.
Cuối năm 2008, kinh tế thế giới bắt đầu chu kỳ suy thoái, nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm xuống, giá thép trên thị trường cũng giảm theo, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sắt thép của Trung Quốc lâm vào khó khăn và năm 2009 lần đầu tiên ngành sắt thép Trung Quốc bị lỗ nặng.
Năm 2009, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 460 triệu tấn, giảm 8% so với năm trước; tiêu thụ 430 triệu tấn, giảm 5%. Chính phủ Trung Quốc phải cấp tốc ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ để vực dậy các ngành công nghiệp chủ chốt, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng lớn, nhờ đó ngành thép nước này vượt qua được thời kỳ khủng hoảng và bắt đầu tái cơ cấu.
Đáng chú ý là trong năm 2009, mặc dù sản lượng thép của Trung Quốc giảm hơn 40 triệu tấn song nước này vẫn đẩy mạnh nhập khẩu quặng sắt nguyên liệu. Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho biết, năm 2009 Trung Quốc nhập khẩu 628 triệu tấn quặng sắt, tăng 41,5% so với năm 2008, giá bình quân là 79,8 đô la Mỹ/tấn, tổng giá trị hơn 50 tỉ đô la Mỹ.
Trong số này có 262 triệu tấn quặng mua từ Úc, tăng 42,6%; 143 triệu tấn từ Brazil, tăng 41,7%, 108 triệu tấn từ Ấn Độ, tăng 18%, số còn lại từ Nam Phi và nhiều nước khác. Diễn biến trái chiều giữa tăng nhập khẩu nguyên liệu và giảm sản lượng cho thấy Trung Quốc đang đầu cơ tích trữ quặng sắt để duy trì sản xuất đề phòng những biến động thị trường và trục trặc trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nhà cung cấp quặng sắt hàng đầu như Rio Tinto, BHP Billiton (Úc) và Vale S.A (Brazil)…
“Quy hoạch điều chỉnh và chấn hưng ngành thép” Trung Quốc đề cập nhiều vấn đề, nhưng tập trung chủ yếu vào sự thay đổi ở các mảng công nghệ, quy mô sản xuất và thị trường.
Về công nghệ, Trung Quốc chủ trương “đào thải năng lực sản xuất lạc hậu”, cụ thể là “đào thải” các lò cao 300 mét khối trở xuống, lò quay, lò điện 20 tấn trở xuống trước cuối năm 2010; sang năm 2011 tiếp tục đào thải các lò cao 400 mét khối trở xuống và lò điện 30 tấn trở xuống; làm sao trong ba năm 2009-2011 sẽ đào thải 72 triệu tấn công suất luyện gang và 25 triệu tấn công suất luyện thép.
Về quy mô, Trung Quốc chủ trương sáp nhập các nhà máy thép nhỏ, tư nhân vào các đại công ty của nhà nước, “hình thành một số doanh nghiệp có quy mô cực lớn”, trong đó 5 doanh nghiệp đứng đầu phải chiếm tỷ trọng khoảng 45% tổng sản lượng thép cả nước, mỗi doanh nghiệp có công suất không dưới 50 triệu tấn thép/năm, lấy các doanh nghiệp này làm mũi nhọn để cải tiến công nghệ, tăng sức cạnh tranh quốc tế. Nhà nước Trung Quốc sẽ có các đòn bẩy tài chính như cho vay ưu đãi, bù lãi suất để các doanh nghiệp này “cải tạo kỹ thuật”.
Về thị trường, Trung Quốc chủ trương khống chế việc xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng thấp như thép xây dựng, dùng biện pháp hoàn thuế linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thép có hàm lượng kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao; bảo hộ thị trường cho doanh nghiệp gang thép trong nước đồng thời tích cực thực hiện chiến lược “đầu tư ra bên ngoài”.
Đáng chú ý là với quy hoạch này lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn về năng lượng và môi trường cho sản xuất thép; chẳng hạn mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất 1 tấn thép không được vượt quá 620 ki lô gam than đá, thải khói bụi không quá 1 ki lô gam, thải CO2 không quá 1,8 ki lô gam. Với tiêu chuẩn này, đa số các nhà máy thép Trung Quốc phải đóng cửa hoặc thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất.
Đối với Việt Nam, việc sắt thép Trung Quốc chiếm thị trường không phải là điều đáng ngại vì nước này có chủ trương hạn chế xuất khẩu sắt thép có giá trị gia tăng thấp và thép Trung Quốc xuất khẩu không hơn sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước cả về chất lượng và giá.
Nhưng điều đáng ngại là cùng với làn sóng “đào thải năng lực sản xuất lạc hậu” mà Trung Quốc đang thực hiện rốt ráo, nhiều nhà máy thép của nước này sẽ tìm cách chuyển sang Việt Nam nhằm tận dụng môi trường đầu tư thông thoáng cùng các chính sách khá lỏng lẻo về năng lượng và môi trường. Chính quyền Trung Quốc yêu cầu giám sát chặt chẽ việc “đào thải” này, không cho các nhà máy lạc hậu chuyển sang địa phương khác ở Trung Quốc, nhưng lại không hạn chế việc chuyển sang nước khác.
Mới đây trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương cho biết có đến 30 tỉnh thành có dự án sản xuất thép; nhiều nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 dự án, Hải Phòng có 9 dự án… Công suất và sản lượng lớn nhất thuộc về các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Ninh Thuận.
Ngoài khả năng gây khủng hoảng thừa sắt thép trong tương lai, các dự án này đều tập trung sản xuất các chủng loại sắt thép thông thường, sử dụng công nghệ bậc trung và thấp, cho nên hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi một sự chuyển dịch nhà máy, thiết bị và công nghệ sang nước ta từ nước láng giềng phương Bắc.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: