Top

Lập lại quy hoạch ngành xi măng

Cập nhật 11/08/2010 11:40


Bộ Xây dựng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thừa xi măng từ năm 2010 trở đi. Ảnh: Đức Thanh
Trước thực trạng phát triển quá nóng các dự án xi măng và thời điểm cung xi măng vượt cầu đã cận kề, Bộ Xây dựng đang tiến hành lập lại Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.

Dự kiến, Dự thảo Quy hoạch nêu trên sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt ngay trong năm nay. đây là lần thứ 4 trong vòng 12 năm, quy hoạch ngành xi măng phải điều chỉnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, cần thiết phải lập lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Quy hoạch cần quy định về tiến độ của các dự án trọng điểm được đưa vào hoạt động hàng năm sao cho phù hợp với sự phát triển của cung - cầu xi măng trên thị trường. Ngoài ra, phải xác định lại một số vùng đang phát triển các dự án xi măng không còn phù hợp quy hoạch, nhằm bảo vệ danh lam, thắng cảnh, cũng như những vùng tập trung quá nhiều dự án xi măng mà cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật không còn đảm bảo.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc xây dựng dồn dập các dự án xi măng thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề về quy trình quản lý cấp phép dự án. Thực tế, nhiều địa phương khi cấp phép dự án xi măng chỉ tính đến lợi ích cục bộ, mà chưa tính đến quy hoạch tổng thể ngành. Chẳng hạn, tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam), trong cùng một thôn Bồng Lạng (thuộc xã Thanh Nghị), có tới 4 nhà máy xi măng, trong đó 2 dự án đã đi vào hoạt động.

Mặc dù Bộ Xây dựng đã đưa ra những cảnh báo hết sức rõ ràng về nguy cơ thừa xi măng từ năm 2010 trở đi để các địa phương cân nhắc khi phê duyệt đầu tư các dự án xi măng, nhưng trên thực tế, tốc độ đầu tư xây dựng các dự án không hề chậm lại. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào con số 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động tính đến cuối tháng 6/2010, với công suất thiết kế hơn 65 triệu tấn/năm, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 4 năm.

Riêng khu vực dọc Quốc lộ 1 từ Phủ Lý (Hà Nam) đến TP. Vinh (Nghệ An), theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có 11 nhà máy xi măng được xây dựng, với tổng công suất thiết kế lên tới 23 triệu tấn/năm. Việc đổ dồn đầu tư các nhà máy xi măng dọc Quốc lộ 1 cho thấy, sản xuất và cung ứng xi măng đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa các vùng miền. Và nếu không điều tiết tốt, có thể sẽ tái diễn tình trạng xi măng dư thừa cục bộ ở miền Bắc và thiếu cục bộ ở miền Nam như đã từng xảy ra hồi đầu năm 2008.

Ngoài ra, trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, đã khởi công liên tiếp hai dự án xi măng. Điều đáng nói là, các dự án này được triển khai khi trước đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương đề nghị không được cấp phép đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xi măng.

Theo dự báo, cuối năm 2010, cung xi măng sẽ vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và khoảng cách sẽ tăng cao hơn nữa từ những năm sau, khi có thêm hàng chục dây chuyền mới đi vào sản xuất. Cụ thể, theo tính toán, năm 2011, sẽ có 7 triệu tấn xi măng dư thừa và con số này sẽ nâng lên 15 triệu tấn vào năm 2012.

Vì vậy, điều chỉnh phát triển ngành xi măng là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay và đây là cơ sở để ngành hướng tới một phương thức sản xuất hợp lý hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc quy hoạch lại ngành xi măng đến đâu còn phụ thuộc vào nhận thức của nhiều địa phương, ban ngành trong việc phối hợp triển khai.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư