Top

Thép xây dựng tồn kho lớn, giá giảm mạnh

Cập nhật 29/09/2008 01:00

Do tác động của nhiều yếu tố, chỉ trong thời gian ngắn, thị trường thép xây dựng đã giảm mạnh kể cả giá bán và sức tiêu thụ sản phẩm, khiến nhiều nhà sản xuất đang như ngồi trên đống lửa bởi không tiêu thụ được hàng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép xây dựng đã rơi từ đỉnh 20 đến 21 triệu đồng/tấn vào tháng 5 xuống ở mức 15 triệu đến 16,5 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ thầu xây dựng, mức giá này vẫn chưa giảm tương đương với mức giảm giá của phôi nguyên liệu. Bởi khi giá thép ở mức cao nhất thì giá phôi nguyên liệu trên 1.100 USD/tấn.

Nay giá phôi đã xuống dưới 700 USD/tấn thì mức giảm từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/tấn thép là chưa tương xứng.

Hơn nữa, trong xu thế giảm giá các mặt hàng trên thị trường thế giới, đặc biệt là mặt hàng dầu thô khiến chi phí vận tải và một số chi phí đầu vào cho sản xuất thép cũng giảm theo.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép cho rằng, trừ phôi, chi phí đầu vào cho sản xuất thép vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là than cốc và than mỡ, loại than chuyên dùng để luyện thép vẫn có chiều hướng tăng giá.

Không những thế, phần lớn thép thành phẩm hiện đang nằm ở các đại lý tiêu thụ cấp một (lượng thép được các nhà máy thép sản xuất khi giá phôi còn ở rất cao) và nhiều công ty thương mại đã “ôm” hàng với số lượng lớn nên họ không thể giảm giá ngay và giảm ở mức tương đương của giá phôi hiện tại.

Về tiêu thụ thép, nếu như trước đây, tiêu thụ bình quân của cả nước khoảng 300.000 đến 350.000 tấn/tháng thì trong tháng 6 chỉ còn 299.000 tấn, tháng 7 còn 250.000 tấn, tháng 8 còn 120.000 tấn và bước sang tháng 9 ước khoảng 110.000 tấn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc giảm sút mạnh này là do đang vào mùa mưa bão, các công trình xây dựng ít khởi công, đặc biệt là việc thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát đã đi vào thực tiễn. Nhiều dự án phải giãn, hoãn tiến độ, thậm chí ngừng thực hiện nên nhu cầu về thép đã giảm theo.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy, đến nay lượng phôi tồn kho của các doanh nghiệp trong cả nước còn trên 500.000 tấn, lượng thép thành phẩm cũng tồn trên 400.000 tấn, nhiều doanh nghiệp đang như ngồi trên “đống lửa” bởi không tiêu thụ được hàng để quay vòng vốn. Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 2%.

Trước thực trạng của các doanh nghiệp sản xuất phôi và cán thép trong nước không tiêu thụ được sản phẩm, sau khi Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế suất thuế xuất khẩu đối với phôi thép từ 20% xuống còn 10%, ngày 25/9 Hiệp hội Thép Việt Nam cùng các doanh nghiệp lại có công văn kiến nghị tiếp tục giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép.

Hiệp hội Thép khẳng định, tiêu thụ thép trong nước chậm, tồn kho sản phẩm lớn, các công ty cán thép tạm ngừng mua phôi, các công ty sản xuất phôi thép không bán được ở trong nước nhưng cũng không thể xuất khẩu để thu hồi vốn vì thuế suất thuế xuất khẩu tới 20% (các nước Đông Nam Á thuế xuất khẩu phôi chỉ ở mức từ 0 đến 5%) nên một số công ty đã ngừng sản xuất từ đầu tháng 9/2008 như Việt Ý, Natsteel, Vạn Lợi hoặc sản xuất cầm chừng như Việt Hàn, Việt Nhật, Hòa Phát, Thép Việt.

Trong khi đó, giá thép trên thị trường thế giới cũng đã giảm mạnh do kinh tế toàn cầu suy giảm; giá phôi thép sau khi tăng tới 1.150 USD đến 1.200 USD/tấn thì nay đã giảm xuống mức từ 620 đến 650 USD/tấn (giảm từ 450 USD đến 500 USD/tấn so với tháng 7/2008) nên các doanh nghiệp trong nước khó mà cạnh tranh được về giá.

Hiệp hội Thép cũng nhấn mạnh, trước tình hình thị trường thép ngày càng xấu, các công ty sản xuất phôi và VSA đề nghị Chính phủ cho giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép về mức cũ là 2% và có lộ trình giảm xuống 0%.

VSA cũng cho rằng, dù thuế xuất khẩu phôi thép ở mức 0% thì xuất khẩu phôi của các doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ.

www.DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN