Top

Thêm một chủ đầu tư BOT 'dọa' trả dự án cho Bộ Giao thông

Cập nhật 31/10/2018 14:36

Chủ đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kêu cứu và đề nghị trả dự án vì . Chưa tính số tiền hoàn vốn, các khoản chi bắt buộc trong hơn 1 năm qua của dự án này đã lên đến 370,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí chỉ được 16 tỷ đồng.

Một đoạn tuyến thuộc dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Theo đó, nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới vừa gửi văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng cam kết của Hợp đồng.

Cụ thể, ông Lâm Hoàng Linh - Giám đốc  Công ty BOT này cho hay, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì không được thu phí tại 2 trạm thu phí đúng như hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT. Trong khi chưa có đủ doanh thu để hoàn vốn cho dự án, thì Doanh nghiệp dự án vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, người lao động…

"Trong gần hai năm qua, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án đã phải huy động vay mượn bằng nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. Tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện dự án chưa đủ. Các khoản chi phí và duy trì hoạt động của Doanh nghiệp dự án, chi phí duy tu bảo trì cho hoạt động dự án trên 370,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí  chỉ được 16 tỷ đồng" - ông Linh cho hay.
"Để dự án không bị phá sản, vì lợi ích của hơn 800 cổ đông và đời sống của hơn 6500 cán bộ, nhân viên, người lao động cùng gia đình Nhà đầu tư, Doanh nghiệp Dự án, đại diện tập thể các cử tri là cổ đông và cán bộ công nhân viên người lao động, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam xem xét chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo đúng cam kết của Hợp đồng mà nhà nước đã ký kết với nhà đầu tư" - văn bản nêu.

Ông Linh cho hay, việc kéo dài không giải quyết cũng sẽ khiến tổng mức đầu tư dự án tăng lên vì chi phí lãi suất, duy tu bảo dưỡng tăng và khoản phí này người dân phải chịu thông qua việc thu phí trong tương lai.  Nếu sự việc không thể giải quyết, liên doanh buộc phải tiếp tục đề nghị Bộ GTVT "trưng mua" lại dự án này.

Đại diện chủ đầu tư BOT này cũng cho hay, Thủ tướng đã có kết luận chỉ đạo về giải pháp cho dự án vào tháng 7 vừa qua nhưng đến nay các bộ ngành, địa phương, chủ trì là Bộ GTVT vẫn chưa thực hiện.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần qua, sau Cty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, đây là doanh nghiệp thứ 2 kêu cứu và "dọa" trả dự án vì việc chậm trễ giải quyết tồn đọng của Bộ GTVT. Sự việc này xảy ra trước thêm việc Bộ GTVT mời gọi các nhà đầu tư BOT tham gia vào cao tốc Bắc - Nam cũng phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trong tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong