Top

Tăng xuất, giảm nhập vật liệu xây dựng

Cập nhật 06/07/2010 14:10

Bộ Xây dựng vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp thuộc Bộ khoảng 14-15% trong năm 2010, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu như Nghị quyết số 18/NQ-CP đề ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện hàng loạt biện pháp.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, các doanh nghiệp thuộc Bộ phải chủ động triển khai các biện pháp về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát các chi phí đầu vào, chủ động về nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu để ổn định sản xuất; tiết kiệm và giảm tối đa chi phí ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến bán hàng, để giảm giá thành, hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá đầu vào.

Cụ thể, đối với sản phẩm clinker và xi măng, Bộ Xây dựng chỉ đạo phải nâng cao chất lượng xi măng, tập trung sản xuất các loại xi măng mác cao, giảm dần tỷ trọng ximăng PCB30. Các nhà máy xi măng phải triệt để áp dụng phương án sử dụng nhiệt thừa để tự phát điện phục vụ sản xuất, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, kết hợp xử lý môi trường triệt để hơn. Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch dùng clinker sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu trong các tháng cuối năm 2010 và các năm tiếp theo.

Đối với các sản phẩm gạch ốp lát, ceramic, granit, gạch cotto, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, đầu tư cho công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng sức cạnh tranh.

Với các sản phẩm sứ vệ sinh và kính xây dựng, doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, có kế hoạch đào tạo cán bộ, thuê chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý vận hành và thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang nước khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và trên thế giới; tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hộ tiêu thụ lớn. Mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất - kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận và thị phần.

Các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng do đơn vị sản xuất, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ; thực hiện công khai, minh bạch giá bán và tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý, không tăng giá bất hợp lý, tích cực tham gia việc bình ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xi măng, thép.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, tại các công trình, dự án do các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã sản xuất được, đáp ứng yêu cầu chất lượng, các yêu cầu về kỹ, mỹ thuật, cũng như về giá cả, hạn chế sử dụng hàng nhập khẩu. Với các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, Bộ sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước chủ động và đôn đốc thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu theo cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư