Top

Đến lượt xi măng bị đầu tư nóng

Cập nhật 05/07/2010 08:40


Nhà máy xi măng Bút Sơn. Ảnh Internet.
Sau gạch ốp lát và thép, đến lượt ngành xi măng rơi vào tình trạng thừa công suất. Hiện nay, Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp trong ngành đang vắt óc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, lối ra duy nhất cho tình trạng dư thừa này. Nhưng vấn đề đặt ra là ngay cả khi có được thị trường ở bên ngoài, Việt Nam có nên phát triển công nghiệp xi măng thành một ngành xuất khẩu không?

Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi trên, ông Ngô Minh Lãng, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1, lại nói về giá trị môi trường, sinh thái của những núi đá vôi, nguồn nguyên liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp này.

Ông nói: “Núi đá vôi tạo ra những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Hơn nữa, đây còn là những khu vực đa dạng về chủng loại thực vật và nhiều động vật sinh sống. Khai thác đá vôi để lấy nguyên liệu làm xi măng là đồng nghĩa với chấp nhận làm mất đi vĩnh viễn những núi đá vôi xinh đẹp”.

Hàng năm, Việt Nam cần tiêu thụ một lượng lớn xi măng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người dân vốn còn đang rất thiếu. Vì vậy, phát triển công nghiệp xi măng là cần thiết. Nhưng nếu phát triển đến dư thừa để có thể dành một phần cho xuất khẩu như tinh thần của quy hoạch ngành thì phải xem lại vì xuất khẩu xi măng đồng nghĩa với việc đánh đổi cảnh quan thiên nhiên với những đồng ngoại tệ thu được. Hơn nữa, về hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ xuất khẩu xi măng không đáng kể, thậm chí có thể lỗ.

Đến cuối tháng 6-2010, Việt Nam có 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm, tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn năm. Tuy một số nhà máy mới vẫn chưa thể vận hành đến công suất tối đa, nhưng tình trạng dư thừa đã xuất hiện do nhu cầu dự báo cho cả năm nay chỉ khoảng 58 triệu tấn.

Theo dự báo của các doanh nghiệp ngành xi măng, năm nay ngành này sẽ thừa ít nhất 5 triệu tấn. Năng lực sản xuất xi măng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì hiện vẫn còn nhiều nhà máy lớn đang được xây dựng và theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi măng Việt Nam sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Để giải quyết lượng sản phẩm dôi ra này, Bộ Xây dựng và doanh nghiệp xi măng đang cố gắng mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đặt mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn trong năm nay. Một số doanh nghiệp khác cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu vài chục ngàn tấn.

Tuy nhiên, mục tiêu một triệu tấn xuất khẩu của Vicem gần như chắc chắn không thể thực hiện, vì ngoài Lào, Campuchia với số lượng xuất rất ít, đến nay Vicem chưa tìm ra thị trường nào khác có nhu cầu nhập khẩu lớn và ổn định. Một số doanh nghiệp khác tuy ký được ít hợp đồng xuất sang châu Phi, Trung Đông, nhưng cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Cái khó của xi măng là ở chỗ đây là mặt hàng có giá trị thấp, nhưng lại rất cồng kềnh, nên tốn nhiều chi phí vận chuyển. Đây là một trong những rào cản lớn đối với khả năng xuất khẩu xi măng. Hơn nữa, một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực hiện đang thừa xi măng rất lớn và số sản phẩm này đang được bán ra thị trường khu vực với giá rất rẻ.

Ông Ngô Minh Lãng cho biết Đài Loan đang sản xuất 23 triệu tấn xi măng mỗi năm, nhưng thị trường nội địa chỉ tiêu thụ hết 8 triệu tấn. Nhiều nhà máy ở châu Âu cũng đang trong tình cảnh này. Vì vậy, bất kỳ nơi nào có nhu cầu nhập xi măng đều trở thành nơi cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu, chẳng hạn như ở Singapore.

Cuộc cạnh tranh giành khách hàng đã làm cho nước này đang trở thành thị trường có giá xi măng rẻ nhất Đông Nam Á. Như vậy, có thể khẳng định, con đường xuất khẩu xi măng của Việt Nam hiện nay gần như là bế tắc, vì các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là mới đầu tư, không thể hạ giá sản phẩm xuống tới mức 45-50 đô la Mỹ/tấn, tức dưới giá thành khá xa, để xuất khẩu.

Dù sao, các doanh nghiệp xi măng còn được lợi thế nhờ nhu cầu trong nước vẫn đang phát triển. Hơn nữa, cước phí vận chuyển, phí kho bãi cao, cộng với thuế nhập khẩu (dù không nhiều) nhưng cũng tạm thời giúp cho ngành xi măng tránh được áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.

Hiện nay, nhu cầu xi măng Việt Nam đang tăng bình quân 10-13%/năm. Với tốc độ đó, việc lấp đầy phần công suất dôi ra sẽ không khó nếu sớm giải quyết được tình trạng đầu tư quá nóng vào ngành này. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là Bộ Xây dựng cần rà soát lại quy hoạch phát triển ngành, dự báo sát nhu cầu thị trường, để từ đó đưa ra lộ trình phát triển sản xuất phù hợp.

Quan trọng hơn, các nhà làm quy hoạch phải dự báo được nhu cầu cao nhất của Việt Nam ở mức nào để tránh đi vào vết xe cũ của Đài Loan và nhiều nước châu Âu khác. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển ngành xi măng cũng không thể chỉ nghĩ theo hướng tự cung, tự cấp, mà phải nhìn vào cả nguồn cung của thế giới.

Nếu Singapore có thể tận dụng hoàn cảnh thừa của thế giới để mua được xi măng với giá rẻ thì sao Việt Nam không tận dụng cơ hội này. Nó không chỉ giúp hạ giá thành đầu tư các công trình hạ tầng, nhà ở, mà còn góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng của quốc gia vì đây là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG