Top

Sử dụng xi măng làm đường: Góp phần kích cầu

Cập nhật 25/12/2008 13:44

Để góp phần thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ ngay từ đầu năm 2009, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ về việc triển khai áp dụng đường bê tông xi măng (BTXM) cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (sân kho bãi, kè sông, kênh mương…) có sử dụng xi măng và vật liệu khác được sản xuất ở trong nước.

Đường bê tông xi măng có tuổi thọ cao.


Thực tiễn cho thấy, đường BTXM đã được áp dụng ở nước ta từ trước 1945. Một số công trình như đoạn QL3 Thái Nguyên, Bắc Cạn, (1980), Quán Bánh - Cửa Lò (1979), QL18 (Tiên Yên - Móng Cái), đường Hùng Vương và Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), một số đoạn trên đường Hồ Chí Minh, QL1A… đã được xây dựng và đang ở tình trạng khá tốt. Hàng ngàn kilômét đường giao thông nông thôn cũng được xây dựng bằng phương pháp thủ công và đang phục vụ đắc lực cho việc đi lại và sản xuất nông nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, đường BTXM có chi phí xây dựng ban đầu cao hơn đường bê tông atphan khoảng 30%, nhưng chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm thấp hơn 70%. Khi phân tích hiệu quả các phương án đầu tư đường giao thông theo “chi phí vòng đời” (thường vòng đời đường BTXM tính bằng 30 năm, đường bê tông atphan bằng 9 năm), chi phí theo vòng đời phục vụ của đường BTXM thấp hơn 27% so với đường bê tông atphan.

Trong khi đó, hiệu quả về kỹ thuật của đường BTXM có thể thấy rất rõ: Tuổi thọ của đường từ 40 - 50 năm, thậm chí dài hơn (trong khi tuổi thọ đường bê tông atphan khoảng 9 năm); rất ổn định đối với nước, đặc biệt thích hợp đối với những vùng chịu ảnh hưởng thường xuyên của mưa bão, lũ lụt, ngập nước…; công tác duy tu bảo dưỡng của đường BTXM rất ít và đơn giản (chủ yếu là xử lý khe co giãn).

Giảm nhập siêu, thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước

Thực tế ở Việt Nam cho thấy các loại đường bê tông atphan, đá thấm nhập nhựa có tuổi thọ thấp. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây hư hỏng đường là do điều kiện tự nhiên ở nước ta rất khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, ngập nước… Do đó, việc xây dựng đường BTXM sẽ rất thích hợp trong điều kiện nước ta, nhất là đường giao thông tại các vùng núi, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong những điều thuận lợi khi xây dựng đường BTXM ở nước ta là khối lượng xi măng sản xuất trong nước khá dồi dào. Ngành công nghiệp xi măng hiện nay đã đạt sản lượng trên 36 triệu tấn/năm. Theo quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020, sản lượng xi măng sẽ tăng từ hơn 59 triệu tấn năm 2010 lên 88,5 triệu tấn vào năm 2015 và 112 triệu tấn năm 2020.

Giải pháp sử dụng xi măng làm đường không những giảm nhập siêu (hàng năm phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn nhựa đường với giá hiện tại là 500 - 600 USD/tấn) mà còn thúc đẩy công nghiệp xi măng trong nước phát triển, góp phần hiện thực hóa nhóm các giải pháp kích cầu của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Việc tiếp nhận và triển khai công nghệ đường BTXM ở nước ta cũng có nhiều thuận lợi: đã có một số DN xây dựng đầu tư trang thiết bị và thi công đường BTXM thành công; thiết bị công nghệ làm đường BTXM sẵn có trên thị trường quốc tế và có thể dễ dàng nhập khẩu; các hướng dẫn kỹ thuật của nước ngoài (nhất là Hoa Kỳ) về thiết kế, thi công và nghiệm thu đường BTXM rất phong phú. Các kỹ sư Việt Nam đã và đang sử dụng trực tiếp các hướng dẫn kỹ thuật của nước ngoài trong xây dựng các công trình giao thông.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng