Nguồn cung dồi dào, nhiều thương hiệu ra đời... đang khiến thị trường ximăng trở nên sôi động. Trong đó, nhiều nhà sản xuất đã tung ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn. Thế nhưng, người tiêu dùng có thật sự hưởng lợi?
Với cách thức phân phối ximăng như hiện nay, người tiêu dùng sẽ khó hưởng được mức giá tốt nhất từ phía nhà sản xuất - Ảnh: T.T.D. |
Ghi nhận thực tế cho thấy các cấp trung gian là những người hưởng lợi hầu hết các chương trình khuyến mãi của các nhà sản xuất ximăng.
Khuyến mãi, chiết khấu tăng vọt
So với cùng kỳ năm 2009, các hình thức khuyến mãi, chiết khấu vẫn được các hãng ximăng duy trì với mật độ kéo dài. “Đây là điều khác lạ vì hầu như vào mùa cao điểm các khoản nói trên thường bị cắt hết” - ông Trần Anh Long, trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Đức Toàn (TP.HCM), nhận xét.
Theo giới kinh doanh, cuộc đua tăng khuyến mãi, chiết khấu được các nhà sản xuất thực hiện ngay từ đầu năm 2010 và kéo dài đến tận thời điểm hiện tại. Trong đó, sốc nhất là thương hiệu ximăng Cẩm Phả của Công ty cổ phần ximăng Cẩm Phả (Quảng Ninh) tung ra mức khuyến mãi kỷ lục: bán 100 bao tặng 12 bao cho đại lý bán lẻ, chưa kể khoản chiết khấu ít nhất 20.000 đồng/tấn cho nhà phân phối cấp 1. Các thương hiệu khác như: Nghi Sơn, Tafico, Lafarge, Hạ Long... đều khuyến mãi ở mức tặng 3-6 bao khi mua 100 bao, cộng thêm khoản chiết khấu (tùy khu vực bán hàng) có thời điểm lên đến 50.000-60.000 đồng/tấn.
Bà Thanh Ngọc, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thiên Ngân (Q.Gò Vấp, TP.HCM, nhà phân phối cấp 2), cho biết chỉ tính riêng trong hai tháng 3 và 4-2010, lượng ximăng bán ra tại cửa hàng tăng hơn 30% so với các tháng trước và tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái do “khuyến mãi quá trời, hãng nào cũng tặng thêm ximăng!”.
“Móc túi” hợp pháp người tiêu dùng
Theo một chuyên gia trong ngành ximăng, thay vì chạy đua tăng khuyến mãi và chiết khấu kéo dài, chỉ cần giảm giá bán trực tiếp từ đầu nguồn với mức giảm lên đến cả trăm ngàn đồng/tấn thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay lập tức.
“Tuy nhiên do sợ bị “mất mặt”, mất vị thế lẫn chỗ đứng trên thị trường thông qua việc định vị giá bán nên vô hình trung các nhà sản xuất đang góp phần tiếp tay cho các cửa hàng bán lẻ tha hồ móc túi người tiêu dùng một cách hợp pháp” - vị chuyên gia này nói. |
Theo ông Long, sở dĩ các hãng ximăng tăng khuyến mãi, chiết khấu là do nguồn cung ximăng hiện quá nhiều, đồng thời các thương hiệu từ phía Bắc muốn đẩy lượng tiêu thụ ở thị trường phía Nam. Theo ước tính, năm 2010 sẽ có thêm 13 dây chuyền ximăng mới được đưa vào khai thác thêm với công suất thiết kế 11,7 triệu tấn, tăng công suất cung ứng ximăng lên xấp xỉ 70 triệu tấn, cao hơn nhu cầu trong nước ít nhất 2 triệu tấn.
Người tiêu dùng luôn bị thiệt
Theo các chuyên gia trong ngành, các thương hiệu ximăng luôn định vị một chỗ đứng trên thị trường thông qua giá bán. Chẳng hạn, Hà Tiên 1 và Holcim đang được xếp vào tốp “đại gia” với thị phần thống lĩnh chiếm khoảng 55%, có mức giá giao tại nhà máy 62.000-65.000 đồng/bao, trong khi các thương hiệu khác dao động ở mức 60.000-61.000 đồng/bao.
Ông T.L., phụ trách mảng bán hàng của thương hiệu T, cho hay hiện một số công ty ximăng đã giảm bớt chương trình khuyến mãi nhưng vẫn chi nhiều cho khâu chiết khấu ngắn hạn với mức chênh lệch từ 20.000-130.000 đồng/tấn (tùy thương hiệu). Các đại lý phân phối do phải cạnh tranh nên phần lớn không giữ lại được các phần chiết khấu này, mà phải giảm trực tiếp cho các cửa hàng bán lẻ cấp dưới.
Ví dụ, với giá giao tại nhà máy của ximăng F mức 1,28 triệu đồng/tấn (tương ứng 64.000 đồng/bao), hãng này đang chiết khấu cho nhà phân phối cấp 1 là 130.000 đồng/tấn (tức 6.500 đồng/bao). Nhưng khi bán cho nhà phân phối cấp 2, nhà phân phối cấp 1 sẽ bán ở mức giá 57.500 đồng/bao (hoặc thấp hơn), kèm theo ba bao ximăng khuyến mãi (trị giá 192.000 đồng) do mua 100 bao theo chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất áp dụng.
Tuy nhiên, đến tay người mua lẻ cuối cùng, ngoài việc phải mua giá 65.000 đồng/bao thì ba bao ximăng khuyến mãi kia cũng chẳng thấy đâu vì đã bị đại lý cấp 2 “nuốt” mất do không biết thông tin hoặc không thể đòi được vì luôn bị từ chối.
“Các hệ thống đại lý cấp 2 hiện đang lời rất nhiều do hưởng trọn các phần khuyến mãi từ cấp nhà sản xuất lẫn đại lý phân phối phía trên” - ông Long thừa nhận. Thậm chí có thời điểm nhà phân phối cấp 2 có thể lời ngay một chuyến hàng 200 bao ximăng lên gần 3 triệu đồng vì được hưởng 24 bao khuyến mãi. Chưa kể không phải mất phí vận chuyển và cộng thêm tiền lời bán lẻ, trong khi nhà phân phối cấp 1 chỉ được hưởng phần chiết khấu dài hạn, thường cuối năm mới được thanh toán khoảng 5.000-20.000 đồng/tấn cho tổng lượng hàng đã bán ra.
Ông Bùi Hoàng Triệu, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Q.Tân Bình), xác nhận chưa bao giờ công ty ông nhận được bao ximăng khuyến mãi nào dù tổng lượng ximăng mua trong từng đợt đặt hàng có khi lên đến hàng trăm bao.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của chính một nhà sản xuất đang giữ thị phần khá lớn hiện nay, do bản thân họ cũng bị sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu mới xuất hiện nên “chỉ quan tâm đến chuyện làm sao đưa mức tiêu thụ lớn ra thị trường”, còn lợi ích của người tiêu dùng cuối cùng như thế nào hoàn toàn không được đề cập.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: