Top

Nhiều mà ít

Cập nhật 04/09/2010 10:30


Hiện nay, Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất được thép xây dựng, còn các loại thép chất lượng cao thì đều phải nhập
Không ai phủ nhận những lợi thế của VN trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là lợi thế về nguồn tài nguyên và con người, nhân lực. Cho đến thời điểm hiện nay, dù chúng ta vẫn luôn phát triển, tăng trưởng nhưng khi nhìn vào từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể thì vẫn thấy những tồn tại từ “thuở ban đầu”.

Đó là việc phát triển thiếu chiều sâu. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thường bị phá vỡ quy hoạch.

Cụ thể như ngành thép, ngành xi măng - những ngành được xem là có lợi thế rất lớn từ nguồn nguyên liệu trong nước nhưng kết cục thì chất lượng sản phẩm của chúng ta dù vẫn được quảng bá là công nghệ của các nước tiên tiến, hiện đại nhất… nhưng vẫn cứ thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực. Chất lượng thì như vậy, chủng loại lại càng kém hơn. Trong khi những nguồn nguyên liệu quan trọng mà đáng ra chúng ta phải, bắt buộc phải làm được thì ta đều phải nhập. Việc các bộ, ngành yêu cầu một số DN phải xuất khẩu một lượng xi măng đúng với giấy phép đăng ký đầu tư, nhưng hầu như không doanh nghiệp nào thực hiện được.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chắc chắn chất lượng và giá bán khó có thể đủ sức cạnh tranh. Với ngành thép thì lúc nhiều, lúc ít và đến bây giờ trên danh nghĩa chúng ta có những nhà máy lớn, rất lớn đến hàng tỷ USD nhưng thử hỏi ta đã đạt đến công nghệ nào, sản xuất được những loại thép nào? Chỉ chủ yếu là thép xây dựng, còn các loại thép chất lượng cao thì ta đều phải nhập. Đó là chưa tính đến một vấn đề khác là mỗi lần hạ mức thuế nhập khẩu thép xuống thì các DN trong nước lại kiến nghị nâng mức thuế lên do không đủ sức cạnh tranh. Vậy thì một câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ bao nhiêu năm qua ta chỉ chú trọng đến phát triển bề rộng mà quên mất chiều sâu. Nhiều mà ít là ở chỗ đó.

Không chỉ ngành thép, ngành xi măng mà nhiều ngành đang trong tình trạng tương tự mà có một điều đáng lưu tâm là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài khi đăng ký đầu tư đều cam kết sẽ chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hoá theo thời gian, như ngành ôtô chăng hạn. Nhưng thực tế thì họ không làm như vậy, làm cho chúng ta chỉ có được số lượng của những sản phẩm tầm trung mà thiếu hoàn toàn những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Nhiều, ít và việc sớm giải quyết những tồn tại đó là điều cần làm trước, rồi mới đến hoạch định, quy hoạch lại các ngành.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp