Top

Nhiều giải pháp mới đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình

Cập nhật 18/11/2013 08:49

Tại hội thảo “Giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình giao thông” do Báo Giao thông tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, các nhà quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu, chuyên gia đã hiến kế để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách và thực tiễn thi công hiện nay. Tòa soạn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến xung quanh chủ đề này.

* Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:
Sáng kiến mang nhiều giá trị

Vừa qua đã diễn ra hội thảo “Tiến độ, chất lượng công trình giao thông” trong bối cảnh toàn Ngành đang huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là tập trung hoàn thành mở rộng QL1, QL14 qua Tây Nguyên trước 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sáng kiến mang nhiều giá trị. Lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và tất cả các ý kiến, tham luận có ý nghĩa thực tiễn từ Hội thảo đều sẽ được xem xét và ứng dụng vào thực tế để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình.

Mục tiêu của ngành GTVT là chất lượng và tiến độ luôn phải đi đôi với nhau. Một công trình giao thông nếu làm đúng tiến độ, vượt tiến độ thì lợi ích kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, nếu tiến độ vượt mà chất lượng không đảm bảo thì thà đảm bảo chất lượng còn tốt hơn. Để vừa bảo đảm được cả tiến độ và chất lượng thì phải siết chặt từ khâu thiết kế, thi công, quản lý và khai thác. Đây là một nguyên tắc chung mà ai cũng thấy được, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có rất nhiều vấn đề.

“Các cơ quan, đơn vị cần tập trung mạnh vào giám sát thi công và thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Phải nêu bật những vấn đề có tính thực tiễn cao, giải pháp tích cực nhất để những người làm công tác quản lý Nhà nước, những người làm công trình có thể nghiên cứu, áp dụng. Qua hội thảo, những vấn đề nào có thể áp dụng thì cần triển khai ngay”- Thứ trưởng Trường yêu cầu.


* Ông Nguyễn Bá Kiên - Q.Tổng Biên tập Báo Giao thông:
Các tham luận có tính thực tiễn và giá trị khoa học ca
o

Các tham luận và ý kiến được trình bày tại hội thảo có tính thực tiễn và giá trị khoa học cao. Nội dung của các tham luận không chỉ chỉ ra những  nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe cụ thể mà nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như: Thể chế, tư duy quản lý. Đặc biệt, Hội thảo đã không chỉ là diễn đàn trao đổi của các đơn vị, chuyên gia trong Ngành mà còn thu hút đông đảo cơ quan truyền thông báo chí vốn đang rất quan tâm đến vấn đề chất lượng và tiến độ của các công trình giao thông.

“Thời gian qua,  đã có nhiều tin, bài phản ánh, phóng sự, ghi chép… kịp thời thông tin và kiến nghị nhiều giải pháp để lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng có những chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trên địa bàn cả nước. Thông qua Hội thảo này, Báo mong muốn các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà thầu, chủ đầu tư  tiếp tục đưa ra những sáng kiến và giải pháp, chỉ ra những bất cập của chính sách pháp luật, từ đó sửa đổi bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ công trình giao thông” - Q.Tổng Biên tập Nguyễn Bá Kiên nhấn mạnh.


* Ông Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên Trường Đại học GTVT:
Xác định rõ khả năng chống hằn lún của bê tông nhựa


Khoảng hơn chục năm trước, rất khó để tìm thấy một đoạn đường nào có vệt hằn lún bánh xe ở Việt Nam. Tình trạng này mới chỉ xuất hiện cách đây khoảng 5 - 6 năm. Tuy nhiên, khi phát hiện ra những hư hỏng mặt đường nhựa thì điều đầu tiên trong công tác nghiên cứu là phải xác định rõ khả năng chống hằn lún của bê tông nhựa.

Nếu so sánh thì Việt Nam và Nhật Bản có điều kiện tự nhiên và địa lý khá giống nhau là lãnh thổ trải dài và phát triển một chiều. Hiện nay ở Nhật Bản đã có quy định về bê tông nhựa theo vùng miền. Tuy nhiên, ở ta chưa làm được trong khi có những điều kiện về thời tiết, khí hậu, địa chất rất khác nhau ở các vùng miền. Về yếu tố giao thông, Nhật Bản cũng đã phân loại việc áp dụng bê tông nhựa theo điều kiện giao thông như: Cấu tạo, thiết kế, đặc tính vật liệu còn ta chưa thể làm được.

Đặc biệt tại Nhật Bản, họ đã áp dụng công nghệ thông tin rất có hiệu quả để quản lý chất lượng thi công. Còn  ở nước  ta, điều này chưa thực sự được quan tâm, chú ý.



* Ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục QLXD & CLC TGT:
Ngăn chặn triệt để nạn xe quá tải


Hiện nay, tình trạng chậm bàn giao mặt bằng hoặc bàn giao nhưng vẫn còn “xôi đỗ” đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng công trình. 

Chất lượng công trình là yếu tố tổng hợp đòi hỏi sự tham gia của tất cả các đơn vị tham gia dự án. Những năm gần đây đã xuất hiện dấu hiệu hằn lún vệt bánh xe ảnh hưởng lớn đến lưu thông của phương tiện. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng kể nhất là vấn nạn xe quá tải trên đường. Để khắc phục tình trạng quá tải, hiện một số trạm cân di động đã đi vào hoạt động, công tác kiểm tra xe quá tải của lực lượng CSGT, TTGT đã được tăng cường. Nhưng xử lý được triệt để được các xe vượt tải, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của tất cả các lực lượng, đơn vị, địa phương”.







* Ông Nguyễn Ngọc Long - Tổng Giám đốc Ban QLDA 2:
Chưa có hồ sơ dữ liệu về tình trạng hằn lún


Thời gian qua, nhiều dự án vốn nội, tư vấn nội, nhà thầu nội, chi phí quản lý rất thấp nhưng không hề xảy ra trồi, lún võng mặt đường. Hiện nhà thầu và chủ đầu tư chúng tôi rất lúng túng trong xử lý mặt đường hằn vệt bánh xe, vì hiện tượng này xảy ra khá phổ biến trên nhiều loại đường, từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ đường mới đến đường sử dụng lâu năm... Nhiều công trình giao thông vừa hoàn thành cũng xảy ra hiện tượng này. Thậm chí một số công trình xử lý, khắc phục đi khắc phục lại nhiều lần vẫn xảy ra.  Trong việc này, trách nhiệm bảo hành của nhà thầu đến đâu, cần phải chỉ rõ. Rồi nguyên nhân lún đường do xe quá tải (không nằm trong trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu) chiếm bao nhiêu phần trăm...

Hiện việc lý giải nguyên nhân, khắc phục hư hỏng vẫn chưa hiệu quả, bởi hệ thống hồ sơ, dữ liệu về những con đường bị lún võng này hầu như chưa có. Đến nay, những nguyên nhân đưa ra vẫn chung chung, là một tổ hợp nguyên nhân nên phương pháp xử lý chưa trúng, khắc phục chưa được triệt để. Giả dụ nếu xác định rõ nguyên nhân do xe quá tải thì phải chặn đứng tình trạng này, do  nhiệt độ thì xử lý vấn đề nhiệt độ, nguyên nhân do chất lượng nhựa đường thì phải xử lý triệt để vấn đề nhựa đường,...

Đầu tiên, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tài chính để khắc phục vấn đề đó. Sau đó, chúng ta phải kiểm điểm lại vấn đề con người, sử dụng con người. “Để đảm bảo tiến độ chất lượng theo thiết kế được duyệt, chúng ta phải quan tâm đến đội ngũ bộ máy thực hiện và có sự giám sát kiểm tra chặt chẽ. Sau công trình cần có kiểm tra, đánh giá, hậu kiểm. Từ đó mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo được tiến độ chất lượng công trình” - ông Long đề xuất.

"Viện KHCN GTVT đã kiểm tra hàng loạt công trình và kết luận có một tổ hợp rất nhiều nguyên nhân như: Tải trọng xe, thi công không đảm bảo độ chặt, chất lượng hồ sơ thiết kế chưa cao, chất lượng bê tông nhựa không đảm bảo yêu cầu, nhiệt độ... Hiện, Viện đang biên soạn quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nhựa đường, quy chuẩn về thiết kế bê tông nhựa, TCVN về độ lún bánh xe... Chúng tôi cho rằng, với lưu lượng xe hiện nay, kết cấu đường truyền thống không còn phù hợp”.

Ông Nguyễn Văn Thành -
Phó Viện trưởng Viện KHCN GTVT











"Trong những năm qua, Cienco 4 đặt mục tiêu chất lượng làm yếu tố sống còn của đơn vị và xây dựng lộ trình chất lượng cho các công trình giao thông.  Tổng công ty đang nỗ lực hết mình để thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài việc loại trừ các yếu tố chủ quan trong quá trình xây dựng thì yếu tố khách quan về biến đổi khí hậu, thực tế khai thác có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình. Những vấn đề này cần sớm có những nghiên cứu đánh giá, đúng mức”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch HĐTV Cienco 4










DiaOcOnline.vn - Theo GTVT