Để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, cần đưa ra những điều kiện tham gia đấu thầu, chỉ định thầu cụ thể tránh tình trạng "quân xanh quân đỏ".
Chiều qua (30/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu được trình Quốc hội kỳ họp này đã có những tiếp thu, chỉnh lý cơ bản về nhiều nội dung. Ý kiến của đại biểu nêu trong kỳ họp tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý nhằm tăng cường tính cạnh tranh, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu hiện nay.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, để tránh tình trạng liên thông, tiêu cực không ít trong đấu thầu hiện nay thì luật phải quy định rõ để bảo đảm tính độc lập về pháp lý và tài chính giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư và các chủ thể khác như: Với đơn vị xét thầu, tư vấn, tổ chuyên gia,… quy định rõ hơn về việc hủy thầu và trách nhiệm khi có dấu hiệu thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn với các tiêu chí cụ thể về các đối tượng, hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng đối với những dự án cấp bách, cố gắng “lường” hết các tình huống cần chỉ định thầu để tạo sự chặt chẽ, tránh lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại và kiến nghị những quy định để ngăn chặn tình trạng nhà thầu một lúc nhận thầu quá nhiều, dẫn tới không đủ nguồn lực để thực hiện, hay tình trạng các nhà thầu chính “bán” dự án cho thầu phụ, chèn ép thầu phụ ở một số gói thầu có yếu tố nước ngoài hiện nay.
Bởi thực tế thi hành Luật đấu thầu những năm qua cho thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu. Do vậy, dự án Luật quy định 6 trường hợp chỉ định thầu; quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.
Khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định, thì cần áp dụng hình thức chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí. Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự án Luật đã quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, tại Điều quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: