Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thép đang tăng trở lại khiến giá cả nhích dần lên. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với một số doanh nghiệp (DN) thép niêm yết về tình hình thị trường thép nói chung và kết quả kinh doanh của mỗi công ty.
Ông Dương Quang Bình Phó tổng giám đốc, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH)
Mặt hàng thép nói chung trong tháng 6 đã thiết lập mức giá sàn. Hiện nay, giá thép nhập khẩu đã cao hơn so với tháng trước 50 - 100 USD/tấn tùy loại. Tiến Lên đã ký hợp đồng nhập khẩu mới thép hình, thép tấm, thép cuộn vào tháng 9 để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm.
Trong quý II, giá cả thị trường thép biến động xuống nên khách hàng có tâm lý chờ đợi, do đó Công ty có thể không đạt 50% kế hoạch lợi nhuận năm trong 6 tháng qua.
Nhưng đến thời điểm này, khi giá thép bắt đầu tăng lên và chuẩn bị vào mùa xây dựng thì các nhà thầu đang tích cực mua vào. Chuẩn bị cho mùa xây dựng cuối năm, DN nào có hàng về sớm sẽ bán được, còn hàng về muộn thì có thể thị trường đã bão hòa. Thị trường Trung Quốc đã bỏ trợ thuế cho thép xuất khẩu nên giá thép xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam sắp tới cũng sẽ tăng lên. Do đó, nhiều khả năng giá thép trong nước sẽ tăng hơn so với tháng 6.
Nhu cầu thép nói chung hiện đã khởi sắc hơn quý II, giá bán đã tăng. Nhưng nhìn chung, giá thép trong nước mới chỉ tăng bằng một nửa mức tăng giá thép nhập khẩu, nên nếu không cẩn thận, DN có thể bán hàng trong kho giá hôm nay thấp hơn giá nhập khẩu hàng về mấy tháng sau.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL)
Giá nhập khẩu thép tấm, thép cuộn đã tăng nhiều. Giá thép tấm cán nóng 32 li giá CIF 600 USD/tấn; thép cuộn hàng mỏng 1, 5 đến 1,95 li giá 620 USD/tấn; 2 - 3 li giá 610 USD/tấn… Giá nguyên liệu tồn kho của DTL vẫn đang thấp hơn giá nhập khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, DTL ước tính đạt 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm. DTL đã xuất khẩu đạt doanh số 22 triệu USD, trong khi kế hoạch xuất khẩu khẩu cả năm là 25 triệu USD.
Chúng tôi cũng vừa hoàn thành phát hành trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ để huy động vốn cho nhà máy mới ở KCN Sóng Thần 3. Hiện dây chuyền mạ lạnh của nhà máy đang được lắp đặt. Tháng 9 sẽ nhận thiết bị dây chuyền cán nguội, sau đó sẽ đốt lò dây chuyền mạ kẽm.
Đại Thiên Lộc nhập khẩu dây chuyền của đối tác vừa là nhà sản xuất vừa thiết kế, nên giá thành dây chuyền rẻ hơn so với suất đầu tư thông thường. Sản phẩm chính của nhà máy là thép lá cán nguội, một sản phẩm mà hiện nay hầu hết DN đang phải nhập khẩu. Dự án sản xuất sản phẩm thép thay thế nhập khẩu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ca,o vì thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ 7 - 15%.
Đại diện, Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng lượng thép tiêu thụ 6 tháng đầu năm đạt trên 2 triệu tấn thép xây dựng các loại, tăng 12% so với 6 tháng đầu năm 2009. Trong đó, Hòa Phát chiếm 260.000 tấn, tăng 156,3% so với cùng kỳ 2009 và tương đương 12% tổng lượng thép tiêu thụ. Riêng trong tháng 6, thép Hòa Phát đã vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng tiêu thụ với 13,4% thị phần, tăng 4,8% so với thời điểm đầu năm 2010.
Xét tổng thể mặt bằng giá thép xây dựng, Hòa Phát đang có ưu thế với mức giá rất cạnh tranh, nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu, coke luyện kim, sản xuất theo chu trình khép kín. Mới đây, Hòa Phát đã cán thành công thép thanh cỡ lớn D55. Với ưu thế về chất lượng, Hòa Phát liên tục nhận được hợp đồng cung cấp thép cho các dự án trọng điểm trên khắp cả nước.
Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, thị trường thép có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Trong tháng đầu quý III, Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng 60.000 tấn thép. Việc giữ vững thị phần thép góp phần củng cố vị thế cho Hòa Phát trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Anh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, CTCP Đầu tư Thương mại SMC
Sáu tháng đầu năm 2010, SMC đạt sản lượng 28.000 tấn, doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng (đạt 51% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế gần 50,8 tỷ đồng (đạt 63,5% kế hoạch năm). Để làm được điều này, SMC đã có sự chuẩn bị giải pháp kinh doanh thích hợp, đặc biệt là những kinh nghiệm rút ra từ đợt khó khăn của ngành thép năm 2008, qua đó đã góp phần hỗ trợ cho SMC vượt qua thách thức trong giai đoạn từ tháng 4/2010 đến nay.
Sự biến động của ngành thép thế giới và trong nước trong thời gian gần đây diễn ra thường xuyên hơn và có những rung lắc mạnh hơn, gây tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN ngành thép, trong đó có SMC. Các biến động về giá và nhu cầu tiêu thụ đòi hỏi DN thép phải có khả năng dự báo tốt về xu hướng của ngành, từ đó có các chiến lược bán hàng và tích hàng tồn kho phù hợp. Hiện tại, với nguồn cung cho một số phân khúc của ngành thép đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ, sự phát triển sắp tới sẽ càng làm cho tính cạnh tranh giữa các DN trở nên quyết liệt và gay gắt hơn.
Để đảm bảo nguồn vốn cho việc đầu tư một số dự án, cũng như để cho tỷ lệ nợ/vốn được ở mức an toàn và hợp lý, SMC dự kiến sẽ phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu trong năm nay, nâng vốn điều lệ từ 146,6 tỷ đồng hiện tại lên 246,6 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: