Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, 6 tháng đầu năm 2010, nguồn cung xi măng toàn xã hội đã tăng khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu, trong đó tiêu thụ thực tế chỉ tăng 1,8 triệu tấn, đã khiến cho thị trường xi măng bị đẩy vào thế cạnh tranh khốc liệt.
Tình trạng cung vượt quá cầu trong ngành xi măng cũng khiến cho tiêu thụ của các doanh nghiệp thuộc Vicem gặp rất nhiều khó khăn, thị phần giảm sút 0,6% so với cùng kỳ và sản phẩm tồn kho tăng cao.
Theo thống kê của Vicem, tiêu thụ xi măng 6 tháng qua của Vicem mới đạt 45,6% mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chánh văn phòng Vicem cho hay, nguồn cung xi măng tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nên thị trường đã xuất hiện tình trạng một số nhà máy xi măng ngoài Vicem bán với giá thấp hơn giá thị trường vì các nhà máy này sắp đến thời kỳ trả nợ ngân hàng.
Ngoài ra, một số nhãn hiệu xi măng mới ra đời đang thực hiện chiến dịch giá thấp cho nhà phân phối nên cũng tạo ra áp lực trong cạnh tranh với các thương hiệu cũ. Trong khi khó khăn của các doanh nghiệp thuộc Vicem là phải giữ ổn định giá bán, cộng với giá một số nguyên, nhiên vật liệu tăng lên làm cho lợi nhuận nhiều doanh nghiệp suy giảm. Đơn cử như Công ty xi măng Tam Điệp, 6 tháng đầu năm 2010, công ty bị lỗ 4 tỷ đồng.
Theo tính toán của các doanh nghiệp xi măng, từ cuối năm 2009 đến nay, giá than đã tăng trên 70%, vỏ bao tăng 10%, hạt nhựa PP tăng 18%, giấy Kraff tăng 12%, dầu MFO, ADO tăng 40%...đã làm tăng mạnh chi phí sản xuất.
Cũng bởi giá xi măng bán ra của một số đơn vị thấp hơn mặt bằng giá trên thị trường, nên tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp Vicem bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến lượng xi măng tồn kho của Vicem cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6, tổng sản phẩm tồn kho của Vicem đã lên tới 1,53 triệu tấn, trong đó tồn kho clinker là 1,24 triệu tấn, xi măng bột 233 tấn và xi măng bao là 59.626 tấn
Lượng xi măng tồn kho trong 6 tháng qua đáng lẽ chưa dừng ở con số này mà có khả năng tăng cao hơn nữa nếu không có nguyên nhân từ viêc thiếu điện và nhiều đơn vị dừng lò sửa chữa thiết bị sau nhiều tháng chạy dài ngày liên tục. Điển hình là Xi măng Hoàng Thạch phải dừng 2 lò đột suất dài ngày do sửa gối đỡ ga lê bệ 2 và hàn vết nứt vỏ lò; xi măng Hà Tiên 2 thì dừng cả lò 1 và lò 2 trong cả 6 tháng đầu năm, chưa kể đến một số nhà máy xi măng lò đứng không chạy hết công suất….
Như vậy, những cảnh báo về tình trạng dư thừa xi măng có khả năng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá…đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường xi măng nước ta. Trong khi các doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán đầu ra cho xi măng thì có một điều lạ lùng là tại một số địa phương, việc cấp phép và khởi công các dự án xi măng với công suất lớn vẫn đang diễn ra. Điều này dường như đang đi ngược lại tinh thần của Bộ Xây dựng, khi đề nghị các địa phương không cấp phép cho các dự án đầu tư xi măng mới (có hiệu lực từ tháng 1/2010).
Mới đây nhất, ngày 10/7/2010, tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Xuân Thành đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ với công suất 2 triệu tấn/năm, gồm 2 dây chuyền sản xuất, tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 24 tháng. Hay đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy xi măng Long Thọ II cho Tổng công ty Sông Hồng. Đây là nhà máy xi măng lò quay công suất 35 vạn tấn/năm với tổng mức đầu tư ban đầu 763,675 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Hương Vân, huyện Hương Trà.
Ông Tùng lo ngại, với thực tế đầu tư như hiện nay, chỉ 2, 3 năm nữa, xi măng dư thừa không biết sẽ bán đi đâu vì trên thực tế, xuất khẩu xi măng chỉ là bước đường cùng khi không thể tiêu thụ ở trong nước mà cũng rất khó thực hiện. Năm 2010, Vicem đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng nhưng chắc chắn là không về đích nổi. Giải pháp kích cầu tiêu thụ bằng việc xin phép đầu tư làm đường cao tốc, đường bê tông xi măng của Vicem dù đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, song có sử dụng xi măng để xây dựng hay không lại vướng phải Bộ Giao thông vận tải.
Bởi vậy, không quá bi quan khi cho rằng, với tình hình cung đã vượt cầu và thực tế tiếp tục đầu tư các nhà máy như hiện nay, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, thị trường xi măng sẽ còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, và mọi thua thiệt các doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: