Top

Lượng thép từ Nga vào Việt Nam sẽ dao động khoảng 10 - 12%

Cập nhật 15/10/2014 15:58

Ngày 15/10, vòng đàm phán thứ 8 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) bắt đầu tại Moscow (Nga), tập trung giải quyết những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp về việc mở cửa các mặt hàng nhạy cảm như thép, nông sản...


Theo ông A.E.Likhachev - Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế LB Nga - VCUFTA là một hiệp định tổng quát và toàn diện về khu vực thương mại tự do giữa những đối tác chiến lược, bao trùm cả lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầu tư. Đến nay, về dịch vụ và đầu tư, hai bên đã xác định được những lĩnh vực để mở cửa thị trường. Còn lĩnh vực thương mại đòi hỏi cần thêm thời gian cho đàm phán.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều lo lắng về việc sau khi VCUFTA có hiệu lực, mặt hàng thép của phía Nga sẽ có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp thép Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản của các nước khối Liên minh Hải quan cũng đang dấy lên những quan ngại khi hàng nông sản Việt Nam được nới lỏng thuế sẽ “thắng” các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, trong vòng đàm phán tới, hai bên cần thảo luận 2 lĩnh vực nhạy cảm này để đưa ra thỏa thuận phù hợp bởi việc đàm phán mở cửa thị trường sẽ trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể giữa hai bên.

Ông A.E.Likhachev cho biết, các doanh nghiệp thép Việt Nam không nên quá lo lắng, bởi thép Nga hiện nay chỉ chiếm 6% lượng thép nhập khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, thuế nhập khẩu mặt hàng thép Nga vào Việt Nam không cao, nên nếu có nới lỏng nhập khẩu thì việc gia tăng lượng thép vào Việt Nam ngay lập tức sẽ không nhiều mà chỉ dao động khoảng 10- 12%, so với mức 6% như hiện nay.

Về phía các nước thuộc Liên minh Hải quan, các nhà sản xuất nông sản cũng lo lắng tương tự. Tuy nhiên, cần giải thích rõ rằng, cơ cấu hàng hóa của hai nước là bổ trợ cho nhau. Việt Nam sẽ cung cấp cho Nga các mặt hàng nông sản nhiệt đới khác với nông sản mà Nga cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam. Ngược lại, Nga sẽ xuất khẩu các loại thép khác với thép mà các doanh nghiệp Việt Nam chế tạo ra như những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tạo giá trị gia tăng cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Công thương