Top

Hiệu ứng từ tăng giá cục bộ

Cập nhật 11/03/2009 10:45

Gần đây, trước sự ấm lên của một số mảng trên thị trường bất động sản, các nhà đầu tư đã bàn luận nhiều về số phận của nhóm cổ phiếu bất động sản.

Những mảnh đất ở các con đường “kéo dài” tại Thủ đô Hà Nội có giá dưới 20 triệu đồng/m2 đã bắt đầu được giao dịch trở lại; căn hộ chung cư có giá dưới 20 triệu đồng/m2 và ở mức giá từ 1 - 2 tỷ đồng/căn đang được khách đặt hàng tìm mua nhiều. Mặc dù chưa thể khẳng định về sự bền vững, nhưng xu hướng “ấm lên” của thị trường bất động sản từ khoảng hơn 1 tháng nay đã thể hiện rất rõ.

Ông Phạm Song Hà, Giám đốc một công ty môi giới bất động sản trên đường Nguyễn Công Hoan, Hà Nội cho biết, khách mua nhà gần đây hầu hết là giới bình dân và có nhu cầu thật sự. Theo ông Hà, giá đất cũng đang có những chuyển biến phù hợp hơn với nhu cầu, hầu hết những dự án mới đã giảm giá xuống ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2008. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng giảm thấp chỉ còn chưa đến một nửa so với năm ngoái, cũng góp phần làm giảm sức ép buộc phải bán cho những đối tượng đang vay tiền ngân hàng mua nhà.

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn chưa có biến động, ngoài một số hiện tượng mang tính đơn lẻ. Chẳng hạn, trong bối cảnh thị trường trồi sụt bất thường, cổ phiếu HAG của Công ty Hoàng Anh Gia Lai tại sàn TP.HCM đã có một xu hướng đi lên khá ổn định từ cuối tháng 2 trở lại đây.

Nếu như vào phiên ngày 24/2, cổ phiếu HAG chỉ có 47.500 đồng/cổ phiếu, thì nay HAG đã lên được đến 54.000 đồng/cổ phiếu. Cũng có được một xu hướng tăng giá khá tốt, cổ phiếu VCG của Tổng công ty Vinaconex tại sàn Hà Nội đi lên đều đặn từ mức 12.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/2 đến nay đã đứng ở mức 14.700 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu của một đại gia bất động sản khác là TDH của Công ty Nhà Thủ Đức cũng tăng từ mức 28.500 đồng vào ngày 24/2 lên 31.200 đồng hiện nay… Mặc dù đây chỉ là một số hiện tượng đơn lẻ và chưa thể hiện được xu hướng chung của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhưng sự tăng giá đó diễn ra trong bối cảnh sức cầu chung của toàn thị trường chứng khoán rất yếu, cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư chú ý về diễn biến sắp tới của nhóm cổ phiếu này.

Theo một số nhà đầu tư gắn bó lâu năm với thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn thường bám sát theo diễn biến chung của thị trường bất động sản. Cụ thể là, trong thời điểm thị trường bất động sôi động như năm 2007, nhóm cổ phiếu bất động sản đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, trở thành nhóm cổ phiếu “vua” của thị trường chứng khoán, hơn cả cổ phiếu ngân hàng hay công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2008, khi thị trường bất động sản tuột dốc, cổ phiếu bất động sản lại trở thành “gánh nặng” đối với các nhà đầu tư. Tại thời điểm đó, cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản trở thành nhóm cổ phiếu mất giá nhiều nhất trên thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu Vinaconex đã từng giao dịch trên thị trường OTC với giá xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phiếu, nhưng khi lên niêm yết thì chỉ còn dưới 20.000 đồng, cổ phiếu Nhà Thủ Đức có lúc giao dịch tới gần 150.000 đồng, nhưng rồi theo sự trầm lắng của thị trường bất động sản, cổ phiếu này chỉ còn khoảng dưới 30.000 đồng/cổ phiếu…

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư