Top

Giá thép lại "dựng" lên

Cập nhật 16/02/2008 09:00

Sau đợt tăng giá thép hồi đầu tháng 1-2008, nay giá thép lại tăng thêm ít nhất 700.000 đồng/tấn. Không chỉ nhà thầu mà nay chính những người xây nhà, chủ đầu tư công trình bị "lãnh đủ” vì giá thép cứ tăng đều đều.

Đợt tăng giá mới được các doanh nghiệp thép đưa ra ngay trước tết, khi mọi người đang chộn rộn đón tết.

Tăng giá trước... giao thừa

Ngay 28 tết, tức ngày 4-2, Vina Kyoei thông báo điều chỉnh giá mới áp dụng cho nhà phân phối giao hàng tại nhà máy (chưa tính thuế) ở mức 13,56 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, khoảng 13,29-13,58 triệu đồng/tấn đối với thép cây.

Mức giá này nếu so với giữa tháng 1-2008 đã tăng 630.000-1.050.000 đồng/tấn thép. Hai ngày sau, ngày 6-2, đúng vào... 30 tết (!?), Tổng công ty Thép VN chi nhánh phía Nam tăng giá bán thép đối với thương hiệu Thép Miền Nam lên thêm 550.000-800.000 đồng/tấn.

Tương tự, Pomina tăng giá bán thêm 800.000-1.038.000 đồng/tấn so với giữa tháng 1-2008. Nhưng tăng mạnh nhất phải kể đến Công ty Gang thép Thái Nguyên, sau ba lần điều chỉnh giá kể từ đầu năm 2008 đến nay đã tăng tổng cộng 1,7-1,799 triệu đồng đối với mỗi tấn thép xuất xưởng, giữ mức 13,33 triệu đồng/tấn (thép cuộn), chừng 13,62 triệu đồng/tấn (thép cây). Với lý do giá phôi thép tiếp tục tăng mạnh, hiện đang giao dịch ở mức 730-735 USD/tấn, các doanh nghiệp sản xuất cho rằng việc tăng giá bán của họ là "chẳng đặng đừng".

Người xây nhà "lãnh đủ"

Giá thép tăng đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào thế kẹt. Ông Nguyễn Đức Hùng, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Nam Á (Q.9, TP.HCM), cho rằng lần tăng giá này không chỉ có nhà thầu nhỏ lẻ chịu thiệt mà ngay cả các chủ đầu tư, đặc biệt chủ đầu tư các công trình lớn, cũng bị "vạ lây".

Theo ông Hùng, thông thường các công trình lớn được rót thẳng thép từ nhà máy xuống tận công trường với giá xuất xưởng. Nhưng với giá điều chỉnh mạnh như lần này, bản thân các chủ đầu tư sẽ là người "lãnh đủ".

"Giá thép tăng kiểu này dự toán phải làm lại và không biết khi nào công trình mới có thể khởi công xây dựng" - bà Nguyễn Thị Hồng Hương, giám đốc hệ thống siêu thị Vinatexmart (Tập đoàn Dệt may VN - Vitas), lo lắng nói. Theo kế hoạch, Vinatexmart đang triển khai ba dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến trên 600 tỉ đồng từ tháng 1-2007. Nhưng vì giá thép tăng quá nhanh nên dự án cứ "lình xình" chờ qua tết rồi giải quyết.

Chỉ sau một tháng, công trình chưa làm này nghiễm nhiên phải bù thêm ít nhất 3 tỉ đồng vì giá thép tăng. "Chúng tôi rất bị động trong công tác mời thầu vì các nhà thầu tỏ ra ngại ngần thương thảo trong giai đoạn giá thép ngày tăng tới mấy giá như hiện nay" - bà Hương nói.

Ông M. - chủ đầu tư dự án xây khu nhà chung cư, căn hộ cho thuê tại Thủ Đức - cũng đứng ngồi không yên vì tính nhẩm sơ sơ công trình của công ty ông chưa gì phải "thủ sẵn" gần 10 tỉ đồng để bù thêm cho giá thép.

Doanh nghiệp thép lãi to

Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, sở dĩ giá thép tiếp tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua là do nhu cầu xây dựng tăng quá mạnh, trên 30% so với năm trước. "Hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải chở thép đến ít nhất cho mười công trình khởi công xây dựng mới, mà dự án nào cũng đầu tư rất lớn, vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng" - giám đốc điều hành một công ty thép tư nhân nói. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm qui định doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, căn hộ phải hoàn tất phần móng mới được huy động vốn thì nhu cầu sử dụng thép tăng đột biến.

Theo tính toán, với giá phôi thép doanh nghiệp đang sử dụng để sản xuất thép thành phẩm ở mức 735 USD/tấn như hiện nay, mỗi tấn thép xuất xưởng các doanh nghiệp lời ở mức thấp nhất 300.000 đồng/tấn. Nếu doanh nghiệp nào sản xuất được phôi thép thì mức lời sẽ không dưới 2 triệu đồng/tấn. Hiện có hơn 60% doanh nghiệp phải nhập khẩu phôi thép.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng thép thành phẩm nhập khẩu tăng rất mạnh từ đầu tháng 1-2008 đến nay, ít nhất trên 700.000 tấn. Vì vậy, đại lý nào đã và đang "ôm" thép phải cân nhắc nếu không có thể bị dội chợ do thép nhập khẩu quá nhiều.

Thép bị làm giá ở khâu phân phối

Theo ông T. - giám đốc điều hành thương hiệu thép P., giá thép bị đẩy lên quá cao một phần do phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian. "Nhưng chúng tôi không thể đầu tư hệ thống đại lý, hoặc mở kênh phân phối bán lẻ như các đại lý đang làm vì không đủ sức, cũng như không đủ kinh phí để thực hiện, nếu muốn kiểm soát được giá thép từ A-Z" - ông này thừa nhận.

"Muốn quản lý được giá bán cuối cùng, nhà sản xuất phải đầu tư hệ thống đại lý và hệ thống phân phối của mình, "mà điều này nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước" - ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN, xác nhận.

Thống kê sơ bộ, chỉ riêng phía Nam hiện có không dưới 1.200 đại lý và nhà phân phối tham gia phân phối thép.

Theo Tuổi Trẻ