Top

Giá thép bị làm xiếc

Cập nhật 07/01/2008 15:00

Thuế nhập khẩu giảm nhưng giá thép xây dựng vẫn liên tục leo thang - Xuất hiện kiểu buôn bán lòng vòng, tạo khan hiếm để trục lợi

Thị trường thép xây dựng hiện nay có thể nói đang rơi vào tình trạng “không kiểm soát”, giá cả được đẩy lên chóng mặt. Chỉ tính riêng trong tháng 12-2007, các doanh nghiệp sản xuất thép đã điều chỉnh tăng giá 2-3 lần (mỗi lần tăng từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/tấn). Từ đầu tháng 1-2008 lại tăng tiếp. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là hiện nay tại các điểm bán lẻ ở TPHCM, giá được đẩy lên vô tội vạ, hiện tượng găm hàng làm giá rất phổ biến.

Một tháng, giá tăng 2 triệu đồng/tấn

Cuối tuần qua, các cửa hàng kinh doanh sắt thép tại TPHCM đều khẳng định nếu không lấy hàng ngay thì vài ba ngày nữa giá sẽ còn tăng cao vì ngay các điểm bán lẻ đi mua hàng cũng còn khó huống chi người tiêu dùng.

Đầu tháng 12-2007, giá thép trên thị trường TPHCM khoảng 14,5 triệu đồng/tấn (thép cuộn), 14 triệu đồng/tấn (thép cây), nhưng đến nay (đầu tháng 1-2008), giá thép cuộn đã nhảy lên 16,5 triệu đồng/tấn, thép cây trên 15 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán chính thức tại Tổng Công ty Thép VN hiện xấp xỉ 13 triệu đồng/tấn...

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng: Nguyên nhân giá thép tăng cao là do giá phôi thép thế giới đang ở mức rất cao. Trung Quốc (nước xuất khẩu phôi thép lớn trên thế giới) vừa điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25%, được áp dụng chính thức từ đầu tháng 1-2008, đã đẩy giá phôi thép thế giới tăng thêm từ 60 USD - 70 USD/tấn so với tháng trước, lên trên 700 USD/tấn. Vì vậy, theo ông Cường, nhiều khả năng giá thép sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới...

Ra khỏi cổng nhà máy giá đã bị lũng đoạn

Giải thích hiện tượng giá bán của các hãng thép đã quá cao nhưng ra đến thị trường giá còn đội lên hơn 20%, một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại TPHCM cho rằng không phải họ làm giá mà do họ không mua được hàng với giá chính thức mà phải mua qua trung gian giá cao hơn nhiều. Chỉ cần hàng ra khỏi cổng nhà máy là giá đã bị đẩy lên trên 1 triệu đồng/tấn.

Ông Trần Văn Thuận, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thép tại quận 10 - TPHCM, cho biết trước đây đơn vị ông mua hàng trực tiếp với nhà sản xuất nhưng nay thì chịu, tất cả phải qua trung gian (một công ty khác) với mức giá chênh lệch từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/tấn so với giá nhà máy là chuyện bình thường. Ông than, mang tiếng là bán giá cao nhưng thật ra mỗi tấn thép các đơn vị bán lẻ như đơn vị ông chỉ lãi 100.000 đồng - 200.000 đồng...

Ông Tuấn, chủ một doanh nghiệp bán lẻ có khá nhiều cửa hàng tại TPHCM và một số tỉnh lân cận, cũng kêu trời vì cả tháng nay việc lấy hàng từ các hãng sản xuất thép gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho biết: Muốn có hàng phải chi mạnh tay, nếu không thì đừng hy vọng...

Theo nhiều cửa hàng kinh doanh thép xây dựng, một trong những hiện tượng khá phổ biến trên thị trường thép xây dựng hiện nay đó là kiểu bán hàng lòng vòng. Một số đơn vị giao hàng qua nhiều cấp, khi đến các nhà bán lẻ thì giá bị đội lên khá cao...

Đặt vấn đề về công tác kiểm soát giá của các hãng thép thì một số đơn vị sản xuất cho biết lâu nay họ không quản lý giá cả trên thị trường. Giá bán của đơn vị giao trực tiếp cho các chi nhánh trực thuộc công ty, các chi nhánh này bán cho các doanh nghiệp kinh doanh thép...

Theo tính toán từ giới chuyên môn, giá bán sắt thép trên thị trường như hiện nay (từ 15 triệu- 16,5 triệu đồng/tấn) là bất hợp lý. Giá bán chính thức từ các nhà sản xuất (đã có thuế) chỉ dao động trên dưới 13 triệu đồng/tấn, nhưng đến tay người tiêu dùng giá đã đội thêm 2 triệu - 3,5 triệu đồng/tấn, mức cách biệt quá lớn này rơi vào túi ai? Câu hỏi đang được dư luận đặt ra với các cơ quan quản lý thị trường...

Mua thép phải chờ 2-3 tuần

Ông Hà Văn Án, Phó trưởng Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép VN, cho biết thép của đơn vị được đưa ra thị trường thông qua các chi nhánh. Các chi nhánh này bán cho các doanh nghiệp kinh doanh thép. Ngoài ra, tại TPHCM, Tổng Công ty Thép VN cũng có 5 cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu thị trường tăng cao nên dù tăng sản lượng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Trước đây, khách hàng chỉ cần đăng ký trong ngày là có hàng ngay nhưng hiện tại phải chờ 2-3 tuần mới hy vọng có hàng.



Theo Người Lao Động