Top

Đầu cơ thép tăng mạnh

Cập nhật 27/12/2007 09:00

Giá thép trên thị trường tăng rất cao, không những thế nguồn cung lại hạn hẹp, nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng đầu cơ thép đang tăng mạnh.

Tại nhiều cửa hàng thép trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá thép bán ra hiện là 15.000.000 đồng/tấn, vậy nhưng cũng không có nhiều hàng để bán. Mua cỡ vài chục tấn là các cửa hàng đều chịu thua. Thực tế thép xây dựng có phải là khan hiếm?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, chỉ có thép cuộn là thực sự khan hiếm bởi nhiều DN trong nước đã tạm ngừng hoặc giảm sản lượng do không cạnh tranh được với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện giá phôi thép cuộn nhập khẩu thường cao hơn phôi thép cây khoảng 7-10 USD/tấn và không phải dây chuyền nào cũng cán được thép cuộn. Trong khi đó giá thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc lại thấp hơn so với sản xuất trong nước khoảng 100.000 đồng/tấn vì vậy sản xuất trong nước không cạnh tranh được.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép thì nhập khẩu thép cuộn năm 2007 tăng mạnh. Tính đến ngày 15/12/2007 thép cuộn nhập khẩu là 424.000 tấn, ước cả năm khoảng 500.000 tấn gấp hơn 3 lần so với năm 2006 (150.000 tấn). Tuy nhập nhiều nhưng do các DN trong nước giảm, ngừng sản xuất nên không đáp ứng được (nhu cầu về thép cuộn năm 2007 cả nước trên 2 triệu tấn) chính vì vậy gây ra khan hiếm.

Còn với thép cây thì không có chuyện khan hiếm. Các DN sản xuất không hề giảm sản lượng mà ngược lại còn tăng lên. Số liệu của Hiệp hội Thép cho biết tháng 11 vừa qua các DN thuộc Hiệp hội sản xuất trên 300.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với những tháng trước và giá bán ra chưa DN nào quá 12.000.000 đồng/tấn.

Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Thép thì lượng thép tiêu thụ trong tháng 11/2007 tăng đột biến lên tới 382.000 tấn, trong khi tháng 10 là 320.000 tấn, các tháng khác chỉ khoảng 280.000 tấn trở lại.

Hiện tượng giá trên thị trường tăng cao theo ông Cường là giá ảo và nguồn cung hạn hẹp là do đầu cơ thép gây ra. Đầu cơ thép tăng mạnh là do các thông tin cho thấy vào năm 2008 giá phôi thép và thép trên thị trường có xu hướng tăng. Quặng sắt được biết sẽ tăng giá 30%/tấn, than mỡ cũng tăng 20% do giá dầu thô tăng làm tăng chi phí đầu vào. Và như vậy tất yếu giá thép sẽ còn tăng.

Nhiều dự báo giá phôi thép sẽ lên tới trên 700 USD/tấn vào năm 2008 chính vì vậy các DN đã đẩy mạnh đầu cơ thép với hy vọng thắng đậm.

Ông Cường cho biết có thông tin nói rằng một số DN thương mại đã tích trữ tới vài vạn tấn thép đợi giá tăng cao mới bán ra. Một số DN sản xuất thép cũng cho biết khá nhiều khách hàng là những công ty thương mại đặt hàng họ với số lượng hàng nghìn tấn và trả tiền trước.

Nửa cuối năm 2007 nhiều DN đã trúng lớn tới hàng trăm tỷ đồng nhờ đầu cơ thép. Kể từ 1/6/2007 Trung Quốc đã nâng thuế suất thuế xuất khẩu thép thành phẩm lên 10% và phôi thép lên 15%. Thông tin này các DN Việt Nam biết trước đó ít nhất là 1 tháng, nhiều DN đã đẩy mạnh nhập khẩu trước, đợi giá thép tăng mới bán ra và trúng đậm, biến kinh doanh thép trở thành lĩnh vực "hốt bạc" trong năm 2007.

Bên cạnh đó hiện tượng săn lùng thép của các DN thuộc Tổng Công ty Thép như Thép Thái Nguyên, Thép Miền Nam cũng tăng mạnh. Do thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, nên giá thép của các DN này bán ra đang thấp hơn các DN khác khoảng 300.000 đồng/tấn (giá bán thép của 2 DN này hiện là 11.500.000 đồng/tấn), trong khi giá trên thị trường tự do tại các cửa hàng cũng ngang bằng với giá của các DN khác vì vậy mà nhiều công ty thương mại đẩy mạnh săn lùng bởi mua được 1 tấn thép đã có lãi ngay ít nhất là 300.000 đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bán giá thấp như vậy không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà chỉ làm lợi cho các trung gian và gây thêm nhiều tiêu cực trong kinh doanh thép. Tổng Công ty thép Việt Nam đã phải chỉ đạo các DN thành viên hạn chế bán thép cho các công ty thương mại mà trực tiếp bán đến chân công trình.

Việc phân phối thép của các DN sản xuất chỉ đến đại lý cấp I cũng đang là vấn đề bởi từ đó trở đi giá thép không kiểm soát được. Hiện các DN sản xuất thép đều có đường dây nóng để khách hàng có thể phản ánh những thông tin về giá thép của họ nhưng không mấy hiệu quả bởi giá thép trên thị trường vẫn chênh lệch quá cao so với giá DN bán ra.

Theo VietNamNet