Chưa bao giờ giá cả các loại vật tư, vật liệu xây dựng cầu, đường lại tăng chóng mặt như hiện nay. Trong số này, việc giá thép tăng đột biến và cơ chế bù giá cho loại vật liệu đặc thù này không thể bù đắp nổi chi phí thực tế bỏ ra thực sự là một đòn giáng mạnh vào các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là những đơn vị chuyên ngành cầu.
Giá cao, hàng hiếm
Theo Hiệp hội Thép VN, tính từ đầu năm 2007 tới nay, giá thép xây dựng các loại đã tăng ít nhất 40 - 50%. Vào hồi giữa tuần này, giá thép cuộn đã tăng lên tới 14 triệu đồng/tấn.
Tại các cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng khu vực Hà Nội, so với tuần trước giá thép phi 8 vọt lên 15.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg; thép cây loại 10: 90.000 đồng/cây (tăng 6.000 đồng/cây); phi 12: 120.000 đồng/cây (tăng 3.000 đồng/cây), phi 14: 165.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/cây), phi 16: 214.000 đồng/cây (tăng 15.500 đồng/cây)...
Không chỉ giá bán của các cửa hàng vật liệu xây dựng tăng mà ngay các hãng sản xuất thép cũng đang đua nhau tăng giá. Ngày 4 -12, Vina Kyoei đã điều chỉnh giá tăng thêm từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn thép (ngày 16 -11 Vina Kyoei đã có đợt điều chỉnh giá với mức tăng tương tự). Trước đó, ngày 1 -12, Pomina cũng đã tăng giá từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn. Tương tự, ngày 30 - 11, Tổng Công ty Thép VN cũng đã tăng giá tại khu vực phía Nam thêm 300.000 đồng/tấn mặc dù trước đó, ngày 24 - 11, hãng này đã tăng 100.000 đồng/tấn.
Qua tìm hiểu cho thấy giá thép tăng cao, trong khi đó các điểm kinh doanh lại không muốn bán hàng là do hiện rất khó lấy hàng nên họ ghim hàng chờ giá mới tăng cao hơn mới bán. Hiện cũng đang có hiện tượng chủ nhiều công trình xây dựng lớn, nhỏ đều tranh thủ mua thép (càng nhiều càng tốt) để tránh “cơn bão giá” sắp tới. Đại diện các công ty sản xuất thép cũng cho biết nhu cầu mua thép xây dựng hiện rất cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu (trong tháng 11 lượng tiêu thụ của nhiều hãng tăng 15% - 20% so với tháng trước).
Trong số các hộ tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi đợt biến động giá thép này, các DN XD cầu đường bị thiệt hại nặng nhất bởi hầu hết dự toán các gói thầu đang triển khai đều được lập từ cách đây 2 - 3 năm. Tại công trình cầu Pá Uôn - Sơn La (đấu thầu trong quý IV/2005) hiện giá thép đã tăng 67% so với đơn giá dự thầu.
Tại gói thầu số 10 - Xây dựng cầu Hưng Lợi, Dự án đường Nam Sông Hậu, nhà thầu bỏ giá thép là 7.700 đồng/kg đến nay hụt hơn 3.500 đồng/kg so với thông báo giá thép của Liên sở Tài chính - Xây dựng Cần Thơ. Giá thép trúng thầu tại Dự án xây dựng cầu Hàm Luông (tháng 9/2006) cũng hụt gần 3.000 đồng/kg so với Thông báo giá của Liên sở Tài chính - Xây dựng Bến Tre. Cần phải nói thêm rằng, các Thông báo giá nêu trên đều được công bố vào tháng 10/2007, trong khi từ đó đến nay, giá thép đã tăng ít nhất gần 20%.
Phần thiệt vẫn thuộc về phía nhà thầu
Cần phải nói ngay rằng, cách đây 3 năm, các nhà thầu xây dựng cầu cũng từng phải gánh chịu một đợt biến động giá thép rất lớn và bất chấp việc Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế bù giá chênh lệch cho nhà thầu nhưng cú tăng giá đó vẫn để lại những hệ luỵ tai hại cho các DN.
Liên quan đến việc xử lý những biến động giá vật tư xây dựng hiện nay, cách đây chưa lâu, Bộ Xây dựng đã có văn bản khẳng định: “Đến thời điểm này, sau khi Nghị định số 99/2007/NĐ - CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực thi hành, các chủ đầu tư có thể báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định thực hiện các công việc tiếp theo theo các quy định tại Nghị định này để thực hiện việc điều chỉnh dự toán và hợp đồng cho phù hợp với thực tế phát sinh của công trình”.
Điều này có nghĩa là đối với việc điều chỉnh giá hợp đồng của các công trình xây dựng (bao gồm cả các công trình triển khai trước thời điểm Nghị định 99/2007/NĐ - CP ra đời), các chủ đầu tư có thể tham khảo một hoặc kết hợp các phương pháp sau để tiến hành điều chỉnh giá hợp đồng: Sử dụng các chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, các tổ chức tư vấn, Tổng cục Thống kê công bố; phương pháp tính toán bù trừ trực tiếp; công thức xác định hệ số điều chỉnh được ban hành kèm theo Thông tư 06/2007/TT - BXD.
Điều bất cập đầu tiên có thể nhận thấy là mặc dù cho mở rộng phạm vi tham khảo giá nhưng ngoài Thông báo giá của các Liên sở Tài chính - Vật giá địa phương, hiện nay không có một tổ chức tư vấn nào làm nhiệm vụ cung cấp các chỉ số giá xây dựng bao gồm cả giá thép nói chung. Trong khi đó, khoảng cách thời gian 3 tháng từ mỗi đợt công bố giá mà phần lớn Liên sở Tài chính vật giá áp dụng không thể bao quát được những biến động giá hiện xảy ra liên tục trong từng tuần.
Nhận định về các biện pháp chia sẻ rủi ro với các nhà thầu, theo các chuyên gia, ngay cả phương pháp được cho là có lợi nhất là việc bù trừ trực tiếp cũng chỉ khỏa lấp khoảng 70% thiệt hại. Trong khi đó, đối với các công trình xây dựng cầu, thép xây dựng chiếm khoảng 1/3 chi phí vật liệu xây dựng.
Theo Giao Thông Vận Tải
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: