Mức tiêu thụ xi măng và thép phục hồi đáng kể trong tháng 3-2014 do đã vào cao điểm của mùa xây dựng.
Trong khi tiêu thụ xi măng có mức tăng khả quan thì ngành thép tiêu thụ lại giảm - Ảnh: Văn Nam
|
Theo Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, nếu 2 tháng đầu năm nay mức tiêu thụ xi măng yếu ớt thì sang tháng 3 lượng tiêu thụ xi măng tăng mạnh trở lại với khối lượng đạt gần 4,7 triệu tấn bán nội địa và gần 1,7 triệu tấn xuất khẩu.
Trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã bán được 1,65 triệu tấn trong tháng 3-2014, tăng gần 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong quý 1-2014, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt 10,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013.
Giá bán xi măng tương đối ổn định. Giá xi măng của nhiều nhà máy đã giảm trong tháng 1 với mức giảm từ 30.000 – 40.000 đồng/tấn, sau đó giữ ổn định trong tháng 2 và tháng 3, riêng xi măng Tam Điệp giảm 140.000 đồng/tấn trong tháng 1.
Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2014 đạt khoảng 62 – 63 triệu tấn, tăng gần 3% so với năm 2013, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 49 triệu tấn, xuất khẩu gần 14 triệu tấn.
Đối với mặt hàng thép, mức tiêu thụ cũng tăng khá trong tháng 3. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 3 là cao điểm mùa xây dựng hàng năm nên lượng thép tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 487.000 tấn.
Tuy nhiên, tính chung 3 tháng đầu năm lượng thép xây dựng tiêu thụ cả nước đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tiêu thụ giảm khiến lượng thép tồn kho tính đến cuối tháng 3 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013 lên tới 324.000 tấn.
Cũng theo VSA, thép nhập khẩu các loại trong 3 tháng đầu năm 2014 đạt 2,2 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ, nhưng phôi thép nhập khẩu lại giảm 24% xuống còn 84.000 tấn.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (31-3), ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, dự báo tiêu thụ thép trong quí 2 sẽ khả quan hơn quí 1 bởi có thêm nhiều công trình xây dựng khởi động trở lại, tuy nhiên mức tăng sẽ không mạnh.
Theo VSA, tiêu thụ thép xây dựng cả nước năm 2013 đạt gần 5 triệu tấn, giảm khoảng 500.000 tấn so với năm 2012.
Do nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, công suất sản xuất thép vẫn dư thừa, nên cạnh tranh giữa các công ty trong nước vẫn diễn ra khốc liệt. Dự kiến sẽ có thêm công ty ngừng sản xuất do không thể cạnh tranh với các công ty có năng suất cao và giá thành hạ.
Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, cơ khí, xây dựng chưa thể khởi sắc trong năm 2014 nên dự báo tổng tiêu thụ thép các loại trong năm nay chỉ đạt 12,2-12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: