Sau 10 năm “lụt” tiến độ và nhiều lần thay thế nhà đầu tư, nhà thầu, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “sốc” lại. Một lần nữa, Dự án trọng điểm quốc gia này được hứa hẹn ngày về đích là năm 2020
Sau 10 năm "lụt" tiến độ, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới được khởi động lại đầu năm 2019
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, được khởi công lần đầu vào năm 2009 nhưng “lụt” tiến độ do thiếu vốn suốt 10 năm qua.
Mới đây, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản “cầu cứu” gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong đó đề nghị chấp thuận cho bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh, thay thế Công ty TNHH Yên Khánh của “Út trọc” đã bị bắt vì vi phạm pháp luật (Yên Khánh là 1 trong 6 công ty trong liên danh - PV).
Chiều 20/4, tại tỉnh Bến Tre, Hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra với sự tham dự của tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án, nhà thầu, các đơn vị cung cấp tín dụng và các chuyên gia.
Ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận - cho biết: Sau khi được bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực thay thế cho doanh nghiệp Yên Khánh, dự án đã được triển khai trở lại từ đầu năm 2019, tuyến cao tốc dài 51 km thì hơn 40 km nền đất yếu cần phải gia cố.
Dự án hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, trong khi mục tiêu thông xe toàn tuyến là cuối năm 2020
Theo ông Hồng, hiện Dự án còn nhiều vướng mắc như chưa hoàn tất thủ tục hành chính khi chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về tỉnh Tiền Giang; 2.180 tỷ đồng Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án chưa được giải ngân, trong đó có khoản hỗ trợ 500 tỷ đồng từ vốn dự phòng giai đoạn 2016-2020.
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng phương án ứng trước vốn ngân sách hỗ trợ dự án, tạm ứng ngân sách địa phương để chi trả giải phóng mặt bằng.
Theo kiến nghị của đơn vị thi công dự án, Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn cần xác định khi đã nhận trách nhiệm trước Thường trực Chính phủ cam kết thông tuyến vào năm 2020, không đỗ lỗi cho nhau.
“Việc thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 là nhiệm vụ không quá khó, nhưng cũng là mục tiêu không phải dễ dàng thực hiện, nếu các bên liên quan không thực sự đồng lòng, chung sức và thể hiện sự quyết tâm để chúng ta không lỗi hẹn thêm lần nữa với 23 triệu dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.” - ông Hồng nói.
Về phía tỉnh Tiền Giang, địa phương này thừa nhận do thủ tục chuyển giao cơ quan quản lý với Bộ GTVT chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được. Nếu số vốn 500 tỷ đồng không được giải ngân ngay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho dự án. Tỉnh Tiền Giang cho biết, về giải phóng mặt bằng tỉnh đã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng, chỉ còn 590m chưa bàn giao và tỉnh cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới.
Phối cảnh một phần Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo về kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT. Thủ tướng yêu cầu sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.
Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang triển khai Dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: