Tuyến đường vành đai 2 của TPHCM, đoạn Phạm Văn Đồng – Gò Dưa (khởi công từ năm 2015) dài 2,75km đang thi công với "tốc độ rùa”. Trong khi đó, Tuyến vành đai 3 chưa có vốn để giải phóng mặt bằng. UBND TPHCM yêu cầu triển khai linh hoạt các phương thức đầu tư để sớm khép kín vành đai 2, khởi động vành đai 3.
Khẩn trương khép kín vành đai 2
Đường Vành đai 2 của TPHCM dài hơn 64km (với quy mô từ 6-10 làn xe), hiện đã đầu tư được hơn 54km, bề rộng trung bình 35m. Tuyến đường còn 3 đoạn dài hơn 10km vẫn chưa được đầu tư.
Dự án vành đai 2, đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1) động thổ từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ là từng đoạn công trường ngổn ngang
Dù được khởi công từ cuối năm 2015 nhưng đến nay tuyến đường hơn 2,7km của đoạn Phạm Văn Đồng – Gò Dưa vẫn chưa hoàn thành. Cũng như một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, dự án đường nối bị chậm vì thiếu mặt bằng thi công.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến vừa có kết luận chỉ đạo về triển khai đầu tư khép kín đường vành đai 2 và bồi thường giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan phải quyết tâm cao triển khai linh hoạt các hình thức đầu tư đường vành đai 2.
Trong đó, đối với đoạn Phạm Văn Đồng – Gò Dưa đang triển khai thi công, UBND TP giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng BT (như: tiến độ, chất lượng, khả năng huy động vốn…) đảm bảo hoàn thành dự án chất lượng.
Sở Giao thông vận tải TP tăng cường công tác truyền thông về tiến độ dự án để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện dự án.
Để khép kín đường vành đai 2, TPHCM cần đầu tư 3 đoạn còn lại. Trong đó, 2 đoạn nằm ở phía Đông Bắc TP, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, khoảng 3,8km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2km.
UBND TP giao Sở Kế hoạch – Đầu tư TP thẩm định đề xuất của UBND quận 9, Thủ Đức về chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, để UBND TP trình HĐND TP trong kỳ họp gần nhất. Đối với dự án xây lắp, nghiên cứu hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Vật tư nằm ngổn ngang, trụ cầu Rạch Lùng (quận Thủ Đức) hiện chỉ là khung thép nằm "thi gan cùng tuế nguyệt"
Đoạn cuối cùng để khép đường vành đai 2 là đoạn từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3km. Đây là khu vực có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.
UBND TP giao UBND quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh khẩn trương lập thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông đề xuất UBND TP hình thức đầu tư BT đối với phần xây lắp.
Sớm giải phóng mặt bằng cho vành đai 3
Đối với tuyến đường vành đai 3, mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP kiến nghị sớm triển khai và cho thành phố tạm ứng ngân sách (khoảng 3.000 tỉ đồng) để bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, các tuyến đường vành đai giúp thành phố có thêm động lực phát triển và kết nối với các tỉnh miền Đông, miền Tây.
Một lý do khác, theo Bộ trưởng GTVT, cần làm sớm đường vành đai là bởi càng để lâu thì chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng càng lớn. Nếu đợi khi có vốn mới làm thì giải phóng mặt bằng sẽ lên 5.000-7.000 tỉ đồng chứ không phải 3.000 tỉ đồng như hiện nay.
“Đường vành đai 3, 4 chắc chắn phải làm, giải phóng mặt bằng cực kỳ quan trọng. Chờ có vốn mới giải phóng mặt bằng thì chi phí sẽ cao. Kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, tham mưu Chính phủ để TP ứng 3.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. Nếu không có mặt bằng sạch thì xây dựng các dự án khó khăn, giải phóng mặt bằng trước rất phù hợp”, ông Thể nói.
Kết luận tại buổi làm việc về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng.
Theo phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, sau khi Thủ tướng có ý kiến, UBND TP sẽ giao cho các quận/huyện, sở/ngành hoàn thiện thủ tục ứng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng, trình HĐND TP thông qua.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: