Top

Cần đẩy nhanh chương trình phát triển VLXD không nung

Cập nhật 22/04/2009 16:05

Đó là quan điểm chung của các chuyên gia, các nhà quản lý trong cuộc Hội thảo “Phát triển VLXD không nung – thực trạng và giải pháp” do Viện VLXD (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 21/4, tại Hà Nội.

Hội thảo đã cho cái nhìn rõ hơn về thực trạng và giải pháp để phát triển vật liệu không nung. baoxaydung.vn đã ghi lại những ý kiến, kiến nghị của được các nhà sản xuất, nhà quản lý về chương trình này.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD VN:

“Cần có chính sách miễn ưu đãi như miễn giảm thuế…”

Vật liệu không nung tận dụng nguyên liệu từ nguồn phế thải và Việt Nam có đủ nguyên liệu để phát triển vật liệu này. Nguồn nguyên liệu lớn nhưng quy hoạch thế nào để tận dụng được nguồn nguyên liệu này mới là quan trọng.

Kinh nghiệm các nước thế nào, áp dụng như thế nào vào Việt Nam? Công nghệ thì nhiều nhưng cần lựa chọn công nghệ phù hợp và tiên tiến hiện đại, không thể sử dụng công nghệ lạc hâu. Không phải chúng ta không có cơ chế chính sách. Luật Đầu tư, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định những ưu đãi trong đầu tư cũng đã có rồi. Vấn đề của chúng ta là làm sao đưa chính sách này vào cuộc sống?... là những vấn đề cần có lời giải cụ thể.

Nhà nước đã có chính sách hạn chế vật liệu nung và khuyến khích phát triển vật liệu không nung. Tuy nhiên, trước mắt cần có chính sách ưu đãi như; miễn thuế đất 10 năm đầu, thuế VAT đề nghị 0%... đối với các cơ sở sản xuất vật liệu không nung. Để bảo vệ tài nguyên đất, bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, đề nghị Nhà nước cần đánh thuế đối với các cơ sở khai thác tài nguyên đất.

Để phát triển vật liệu không nung, ngoài cơ chế chính sách cần tìm ra mô hình mang tính đột phá, mở hướng phát triển cho các DN. Nếu xác định được đúng chủng loại sản phẩm mà địa phương có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và thị trường có nhu cầu lớn; đồng thời xác định được mô hình công nghệ có tính đột phá thì chắc chắn vật liệu không nung sẽ có bước phát triển với tốc độ cao hơn.

Ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Cty CP Vinaconex Xuân Mai:

“Cần thay đổi tư duy của đội ngũ tư vấn thiết kế”

Sản phẩm vật liệu không nung (VLKN) đã có từ lâu nhưng để các Công ty tư vấn thiết kế đưa VLKN vào trong thiết kế dự toán thì chúng ta chưa làm được. Hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế rất ngại thay đổi. Khi thiết kế cơ sở và dự toán đã “an bài” thì việc đổi loại gạch từ gạch đỏ sang gạch Block không nung là rất khó, vì sẽ phải thay đổi từ thiết kế đến dự toán.

Còn về công nghệ chúng ta không lo, máy móc rất nhiều. Hiện nay chúng tôi lo nhất là chính sách. Chính sách không rõ ràng, DN sợ rủi ro nên không yên tâm, thậm chí không dám đầu tư. Đề nghị Bộ Xây dựng cần có định hướng về việc lựa chọn công nghệ. Đồng thời, triệu tập các công ty tư vấn thiết kế lại trong cuộc Hội thảo, để các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị thi công, các công ty tư vấn thiết kế và nhà sản xuất gạch không nung ngồi lại với nhau bàn thảo những tồn tại, vướng mắc và phương hướng giải quyết.

Kỹ sư Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng):

“Cần có chính sách hỗ trợ đối với các DN”

Tỷ lệ vật liệu không nung đã được điều chỉnh phù hợp, với tỷ lệ thấp hơn nhưng để đạt được chỉ tiêu đề ra đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực lớn của nhiều cấp, ngành. Để có chính sách phù hợp với thực tế, đưa ra giải pháp phát triển vật liệu không nung, tôi kiến nghị một số vấn đề trong xây dựng có chế chính sách ở nước ta như sau: Nhà nước cần hỗ trợ phí chuyển giao công nghệ; tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài (như nguồn vốn ODA, Quỹ môi trường, Ngân hàng phát triển…); hỗ trợ nghiên cứu chế tạo thiết bị đồng bộ dây chuyền sản xuất gạch Block bê tông nhẹ trong nước.

Chúng ta nên đưa vật liệu không nung vào xây nhà cao tầng và nhà ở xã hội. Đồng thời, có chính sách miễn giảm thuế đối với những công trình sử dụng vật liệu nhẹ cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH TM-DV-KT-XD Ngạc Nhiên:

 “Doanh nghiệp mong được hỗ trợ về vốn”

Theo đánh giá từ phía các nhà sản xuất, nếu chính sách có nhiều ưu đãi và giá thành sản phẩm phù hợp thì chắc chắn vật liệu không nung sẽ có chỗ đứng trên thị trường. DN mong được hỗ trợ về vốn, vì giá thành sản phẩm vật liệu không nung hiện vẫn rất cao (gấp đôi so với vật liệu nung) như dự án được vay với lãi suất từ 3- 6% /năm và vay trung hạn từ 10 năm trở lên.

Theo tôi, Nhà nước cần đưa ra cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể như: Dựa vào Luật hoặc những quy định pháp lý cụ thể về việc áp dụng gạch bê tông không nung cho những nhà xây cao trên 5 tầng; Miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN khoảng 5 % trong vòng 10 năm để tập trung khấu thiết bị cho các dự án trong chương trình phát triển vật liệu không nung; Miễn tiền chuyển đổi mục đích sử đụng đất hoặc giảm tiền thuê đất cho các DN sản xuất vật liệu không nung; Đưa ra các tiêu chuẩn chung cho vật liệu không nung để các đơn vị tư vấn thiết kế áp dụng vào những công trình...

Ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc Cty DVTM và Đầu tư SECOIN:

“Nhà nước cần có chính sách đánh thuế đối với các cơ sở khai thác đất”


Trong báo cáo đã đề ra các giải pháp, đặc biệt các giải pháp vĩ mô. Theo tôi, thứ nhất chúng ta không nên dùng chính sách điều tiết thị trường mà để thị trường tự điều tiết. Để vật liệu không nung rẻ hơn vật liệu nung thì người dân sẽ sử dụng vật liệu không nung.

Thứ hai, nước ta là một trong số ít nước trên thế giới được khai thác đất tràn lan. Nhiều nước, ngay cả các nước ở châu Phi, việc khai thác đất cũng bị đánh thuế rất lớn. Để bảo vệ tài nguyên đất, đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách đánh thuế đối với các cơ sở khai thác đất, tránh việc khai thác đất tràn lan, lãng phí tài nguyên.

Thứ ba, theo tôi, cần xây dựng quy chuẩn, qui định cho vật liệu không nung; xây dựng cẩm nang thi công hướng dẫn cách xây vật liệu không nung. Và cuối cùng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ nhận thức đúng đắn về những ưu điểm của gạch không nung.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng