Top

Phần sở hữu chung trong nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu

Cập nhật 06/09/2011 12:30

Câu hỏi:

Căn nhà tôi ở là 1 căn biêt thự, được hóa giá năm 2002 cho 05 hộ gia đình. Gia đình tôi được hóa giá 02 phòng ở dưới trệt, trước mỗi phòng có 01 mảnh sân 4m x 5m, được quy định là sân chung. Tại mảnh sân bên ngoài sát đường, gia đình tôi có làm 01 mái che bằng tole từ năm 1980 và sử dụng 1/2 diện tích để bán cafe cóc.

Năm 2003, hộ lầu 1 và hộ lầu 3 bán lại nhà cho 01 người nơi khác, họ bắt đầu khiếu nại: Buộc gia đình tôi phải tháo dỡ mái che và không được bán cafe nữa.

Xin cafeluat tư vấn cho tôi. Chân thành cảm ơn (X. Trường)


Công ty Luật Thiên Bình trả lời:

Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Libra xin phúc đáp đến bạn như sau:

Khoản 2, Điều 12 Thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 01/09/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định: việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 08/12/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị (“Thông tư 38”).

Theo đó, phần sở hữu chung trong nhà biệt thự nhiều chủ sở hữu bao gồm :

- Phần diện tích còn lại ngoài phần sở hữu riêng trong nhà biệt thự quy định tại khoản 6 Điều này;

- Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật chung trong nhà biệt thự, gồm tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường ngăn chia các phòng, sàn, mái, cầu thang chung, sân, vườn, lối đi, hành lang, khu vệ sinh chung, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và các phần khác không thuộc sở hữu riêng trong nhà biệt thự;

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài ngôi nhà nhưng nằm trong khuôn viên của nhà biệt thự.

Đối chiếu quy định nói trên, chúng tôi thấy rằng việc bạn sử dụng diện tích thuộc sở hữu chung khi chưa được sự đồng ý của các chủ sở hữu khác là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8, Thông tư 38; Vì vậy các chủ sở hữu khác trong biệt thự có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc bạn phải khôi phục lại nguyên trạng hoặc bồi thường thiệt hại đối với phần sở hữu chung bị hư hỏng .

Về việc kinh doanh buôn bán, pháp luật quy định quyền kinh doanh gắn liền với địa điểm kinh doanh (địa điểm kinh doanh phải thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp), theo đó gia đình bạn sẽ không mất quyền kinh doanh đối với phần sở hữu riêng trong nhà biệt thự.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn

.