Top

Quy định điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng: sửa mà vẫn rối!

Cập nhật 22/04/2014 13:36

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng các qui định về cho vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn còn rối rắm khiến cho tốc độ giải ngân không thể đẩy nhanh được sau khi Bộ Xây dựng tuần qua kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay đối với một số dự án nhà ở thương mại.

Dự án Ehome 4 - Bắc Sài Gòn tại tỉnh Bình Dương của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long hiện bán rất chậm vì còn vướng mắc điều kiện mua nhà ở xã hội. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong đề xuất này đã kiến nghị mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có giá rẻ.

Theo ông Nam, điều kiện cho vay cần mở rộng là những hợp đồng có giá trị cả nhà và đất không quá 1,05 tỉ đồng thay vì khống chế về đơn giá và diện tích như hiện nay.

Thực chất, đề xuất trên không mới khi ý tưởng này đã được manh nha trong một buổi đối thoại mới đây giữa doanh nghiệp bất động sản với chính quyền TPHCM. Tại đây, bà Lê Thị Giàu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tấn Hưng, cho biết công ty này đã chào bán hơn 600 căn hộ và phần lớn trong số này đã được người mua đăng ký, tuy nhiên họ phải vay vốn ngân hàng với lãi suất thương mại.

Theo bà Giàu, vì mỗi căn hộ rộng 84m² nên không đáp ứng được yêu cầu của gói 30.000 tỉ đồng là diện tích căn hộ không vượt quá 70m². Tuy nhiên, đơn giá mỗi căn hộ bình quân là 11,2 triệu đồng/m² nên giá bán mỗi căn chỉ dưới 1 tỉ đồng. Do đó, để đáp ứng điều kiện của gói tín dụng trên, công ty sẵn sàng tặng người mua 14m², chỉ bán 70m² còn lại.

Trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ví von việc làm trên  giống như doanh nghiệp đang “gọt chân cho vừa giày”.

“Thay vì bắt căn hộ phải đáp ứng cả hai điều kiện về diện tích và đơn giá thì chỉ cần qui định một điều kiện duy nhất là tổng giá bán dưới 1,05 tỉ đồng. Nếu qui định này đưa vào hiện thực thì doanh nghiệp rất mừng tuy rằng đã muộn vì lẽ ra, điều này phải có từ tháng 7,8 năm trước”, ông Đực nói thêm.

Tuy nhiên, ông Đực cho rằng, việc nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỉ theo hướng trên cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của người dân. Điều quan trọng hơn là cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển căn hộ nhỏ (40-45m²) thì mới hi vọng giải quyết được nhiều nhà ở cho người dân nghèo. Theo ông Đực, hiện TPHCM vẫn đang hạn chế căn hộ nhỏ vì lý do áp lực gia tăng dân số.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, đề xuất mới của ngành xây dựng chỉ phù hợp với những sản phẩm nhà ở tại TPHCM, Hà Nội và các đô thị lớn nhưng sẽ gặp nhiều bất cập khi áp dụng với nhà ở tại các đô thị nhỏ ở các tỉnh.

Ông Châu giải thích, tại các tỉnh miền Tây, người dân có thể mua được căn hộ cao cấp, thậm chí cả biệt thự với số tiền 1,05 tỉ đồng. "Những người mua được nhà cao cấp, biệt thự để ở thì đâu phải là người nghèo, mà mục đích gói 30.000 tỉ là phục vụ cho những người thu nhập thấp. Như vậy, sẽ có bất cập trong việc xác định đối tượng thụ hưởng gói tín dụng này", ông Châu cho biết thêm.

Do đó, ông Châu đề nghị điều kiện mà Bộ Xây dựng đưa ra cần nói rõ các khu vực được áp dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long ủng hộ đề xuất trên nhưng lại cho rằng, việc nới rộng điều kiện như vậy là chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ông Trân cho biết, dự án Ehome 4 - Bắc Sài Gòn tại tỉnh Bình Dương của công ty này đã hoàn thành được hai block và đang chào bán. Tuy dự án đã đáp ứng các điều kiện của gói 30.000 tỉ đồng, giá bán cũng phải chăng, vị trí thuận lợi nhưng lại rất ít người mua.

Ông Trân giải thích, theo qui định hiện nay, khách hàng phải có hộ khẩu tại Bình Dương mới được mua sản phẩm nhà ở xã hội của dự án này; trong khi đó, phần đông những người có nhu cầu mua nhà tại đây lại là người dân ở các vùng ngoại thành TPHCM hoặc công nhân các tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp của Bình Dương.

Do đó, ông Trân đề nghị Bộ Xây dựng nên đề xuất thêm qui định, không nhất thiết phải có hộ khẩu tại nơi đặt dự án mà chỉ cần điều kiện khách hàng chưa từng sở hữu nhà ở.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 4-2014, các ngân hàng đã giải ngân được gần 1.700 tỉ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Tại TPHCM đã có 434 hộ được cam kết cho vay với số tiền là 242 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 11% so với cả nước), trong đó vay để mua nhà ở xã hội là 135 hộ với số tiền là 66 tỉ đồng, vay để mua nhà ở thương mại là 299 hộ với số tiền là 177 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG