Vì sao sau khi bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại Nokia, Microsoft vẫn tiếp tục chạy các chương trình quảng bá cho Lumia, Asha hay Nokia X?
Rót tiền quảng cáo cho Nokia
Tại sự kiện ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành Windows Phone 8.1 - Lumia 630, đại diện Nokia khẳng định sau khi sáp nhập với Microsoft, Việt Nam vẫn là một trong 10 thị trường trọng điểm của Hãng trong thời gian tới. Do đó, Nokia sẽ tiếp tục đưa những sản phẩm mới nhất về Việt Nam trong những đợt đầu tiên bán ra thị trường và Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên bán mẫu điện thoại mới nhất Lumia 630.
Sau khi Nokia thuộc về Microsoft, điều khiến nhiều người thắc mắc là các chiến dịch truyền thông và marketing khá mạnh của hai dòng điện thoại Lumia và Asha với thương hiệu và logo của Nokia. Nokia bỏ ra hàng chục tỷ đồng tài trợ cho hàng loạt chương trình: Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Cùng là tỷ phú... Nếu để Nokia phải "biến mất" trước Microsoft thì tốn tiền quảng bá cho những sản phẩm đặc trưng của Nokia này để làm gì? Hay Nokia vẫn là bộ phận hoạt động tách rời khỏi thương hiệu Microsoft?
Theo thông cáo báo chí, Nokia đã chính thức được sáp nhập vào bộ phận Microsoft Devices, sẽ kiêm việc kinh doanh các sản phẩm phần cứng của Microsoft, như máy tính bảng Surface, máy chơi game Xbox... Tuy nhiên, đại diện Nokia cho biết, "hiện tại Microsoft chưa có quyết định về tên gọi cho Nokia".
Nhiều phỏng đoán cho rằng hãng phần mềm Microsoft sẽ phải lựa chọn một tên gọi khác cho Nokia bởi hợp đồng mua bán giữa Microsoft và Nokia chỉ cho phép sử dụng tên gọi Nokia trong 10 năm tới. Trong khi đó, Microsoft đã được cấp quyền sử dụng thương hiệu Lumia trong vòng ít nhất 10 năm tới và Hãng sẽ tiếp tục dùng tên này cho những dòng điện thoại thông minh mới của mình. Vì vậy, dù tương lai của những smartphone có logo Nokia còn mơ hồ, nhưng điều rõ ràng là thương hiệu Lumia sẽ tiếp tục có mặt trên thị trường.
Năm năm trở lại đây, trong khi Apple và Samsung ngày càng phát triển thì Nokia ngày càng thua lỗ và kết cục là phải bán mình cho Microsoft. Tại Việt Nam, cuối năm 2012, đối tác phân phối lớn nhất của Nokia là Petrosetco cũng bỏ Nokia để bắt tay với Samsung. Trong khi đó, thế hệ Lumia đầu tiên ra mắt gần như biến mất trước các mẫu smartphone Android hay iPhone.
Microsoft làm gì với "xác chết" Nokia? Ưu tiên số 1 của Microsoft lúc này là phổ biến Windows Phone, mở rộng chỗ đứng cho nền tảng này trên thị trường trước các đối thủ lớn là Google và Apple cũng như Samsung. Bỏ ra 7,2 tỷ USD mua lại Nokia, Microsoft sở hữu danh mục các sản phẩm mà Nokia sản xuất, gồm cả S-series, điện thoại Asha và Lumia Windows Phone.
Những sản phẩm này vẫn có thể góp sức đưa dịch vụ Microsoft đến với người dùng, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển. Trên thực tế, Nokia X đã được đưa vào phát triển và sản xuất từ 18 tháng trước và Microsoft biết được kế hoạch này. Thay vì từ bỏ Nokia X thì Microsoft vẫn tiếp tục các kế hoạch marketing cho sản phẩm mới này với hy vọng Nokia sẽ tích hợp những sản phẩm và dịch vụ của Microsoft như Outlook, Skype và OneDrive...
Chính vì thế, dù Nokia X và các điện thoại thương hiệu Nokia trước mắt xung đột với thương hiệu Microsoft, nhưng dài hạn lại hữu dụng cho mục tiêu quảng bá dịch vụ của Microsoft, nhất là vào thời điểm giao thời, sản phẩm của Nokia vẫn có sức mua tốt.
Danh tiếng cho Microsoft
Tại Việt Nam, năm 2013, Nokia tiếp tục duy trì được vị trí số 1 về thị phần điện thoại bên cạnh việc tăng số lượng người dùng smartphone. Số liệu của Nokia cho thấy, dòng Lumia của Hãng đã chiếm tới 20% thị phần smartphone tại Việt Nam. Các thiết bị 1280, 108 hay dòng Asha có lợi thế tại thị trường nông thôn.
Theo ông Vinod Muralidharan, Tổng giám đốc Nokia Việt Nam, hệ điều hành Windows Phone đã trở thành nền tảng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất tại Việt Nam trong năm qua với thị phần đã đạt tới 26%. Trong khi đó, năm ngoái, tỷ lệ điện thoại chạy hệ điều hành này chỉ chiếm 16% - một con số khiêm tốn so với hai nền tảng iOS và Android.
Trên thế giới, hãng phân tích thị trường Strategy Analytics vừa đưa ra các nghiên cứu của họ về thị phần các hệ điều hành cho smartphone. Theo đó, Android vẫn thống trị thị trường, với thị phần đạt 81,3%. Nhờ doanh số smartphone dòng Lumia bán khá tốt trong quý vừa qua, Nokia giúp Windows Phone giành được 4,1% thị trường, mức thị phần cao gần gấp đôi so với những gì Windows Phone làm được cách đây 1 năm.
Mặc dù thị phần vẫn còn ít ỏi so với các đối thủ nhưng đã thấy sự tăng trưởng toàn cầu của nền tảng Microsoft - Nokia tại nhiều khu vực như Tây Âu, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, Windows Phone vừa đạt mốc 20% thị phần với Lumia, nên hệ điều hành di động của Microsoft hứa hẹn sẽ trở thành một nền tảng quan trọng tại các quốc gia này.
Theo các báo cáo nghiên cứu của Gartner và IDC, hệ điều hành Windows Phone của Microsoft sẽ là hệ điều hành smartphone số 2 thị trường vào năm 2015, sau 49% thị phần của Android, và vượt 17% của iOS. Microsoft và các hãng nghiên cứu đang rất tự tin về tương lai của hệ điều hành di động Windows Phone, cho rằng nó sẽ chiếm khoảng 20% thị phần và đứng thứ 2, vượt cả iOS và chỉ sau Android. Nhưng nếu điều này xảy ra thì đây là thắng lợi của Microsoft chứ không phải của Nokia.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: