Top

Thương hiệu doanh nghiệp - tài sản vô hình

Cập nhật 14/05/2011 11:30

Hiệu quả của một mẫu quảng cáo còn được đánh giá thông qua tác động trực tiếp đến thương hiệu.

Quảng cáo chính là quá trình thông tin với một nhóm đối tượng cụ thể về một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, thông qua một hay tất cả các phương tiện truyền thông phù hợp với thông điệp của sản phẩm, vào một thời điểm phù hợp để đạt được hiệu quả theo yêu cầu của nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp

Không chỉ là quảng cáo

Bạn cứ thử tưởng tượng, thế giới với vài tỷ người khác nhau về đủ thứ, nếu không tiến hành thông tin, làm sao mọi người biết bạn đang có cái gì đó để bán hoặc trao đổi?

Khi ấy, trong một rừng sản phẩm na ná nhau, làm thế nào để người ta quyết định mua sản phẩm, dịch vụ của bạn mà không phải của đói thủ cạnh tranh nào đó?

Và quan trọng hơn, lần sau, nếu người ta lại cần loại sản phẩm hoặc dịch vụ đó, làm thế nào để đảm bảo họ sẽ nhớ đến thương hiệu của bạn?

Thị trường càng cạnh tranh do hàng hóa phong phú cùng sự phát triển phức tạp trong tâm lý tiêu dùng, vai trò của quảng cáo càng quan trọng.


Tuy nhiên, quảng cáo không chỉ đơn thuần là "thông tin". Sứ mạng sống đằng sau quảng cáo chính là xây dựng và ràng buộc mối liên kê với khách hàng.

Quảng cáo hiệu quả góp phần thay đổi và củng cố bộ mặt thương hiệu, tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giảm thiểu hiện tượng bào mòn niềm tin của khách hàng.

Khi quảng cáo cho một sản phẩm cụ thể, người ta luôn gắn liền sản phẩm đó với thương hiệu nào đó. Vì vậy, sẽ không "công bằng” khi hạch toán độc lập chi phí quảng cáo với số lượng tiêu thụ của chính sản phẩm đó.

Chi phí quảng cáo sẽ đồng thời được bù đắp vào giá trị lâu dài của thương hiệu đã làm ra sản phẩm. Khi ấy, chi phí quảng cáo thực chất là giá trị đầu tư của một thương hiệu.

Thương hiệu, tài sản có giá trị cao nhất

Với từng sản phẩm riêng biệt cho đến hôm nay, chỉ riêng những cái tên như Samsung, Coca Cola hay Google đã trở thành tài sản đáng giá hàng tỷ đôla Mỹ.

Ngay tại thị trường Việt Nam cũng đã có những thương hiệu mà để sở hữu chúng, người ta sẵn sàng trả hàng triệu đôla. Mặc dù trong thực tế, lợi nhuận nó mang về không đủ bù cho chi phí vận hành.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây không phải là có nên quảng cáo hay không mà là làm thế nào để quảng cáo và sử dụng đồng tiền dành cho quảng cáo một cách hiệu quả.

Hiệu quả không nhất thiết cứ phải là rẻ. Rẻ không nhất thiết phải là ít tiền hơn. Thông thường, 1 đồng mua được hai chiếc bánh. Nhưng biết đâu, với hai đồng cũng có thể mua được 5 chiếc. Nhưng bỏ ra 2 đồng để mua 5 chiếc bánh trong khi bạn chỉ cần 3 chiếc, chưa chắc là hiệu quả hơn. Tệ hơn nữa là đang cần 3 chiếc bánh lại đi mua 10 cái kẹo, cho dù với giá ít hơn gấp 10 lần.

Lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp cũng là một trong những yếu tố quyết định tính hiệu quả. Điều này tùy thuộc vào những phân tích mang tính chuyên sâu trên nền tảng cơ bản là: bản chất sản phẩm và tâm lý khách hàng đối tượng.

Cụ thể hơn, khoảng 97 - 98% hộ gia đình Việt Nam có ít nhất một chiếc tivi.mkt1.jpg Tuy nhiên, nếu 90% đối tượng khách hàng của mình không có thói quen xem tivi thì chi phí khổng lồ dùng để "bằng mọi giá" quảng cáo sản phẩm trên truyền hình xem như đổ sông, đổ biển.

Nếu các thuộc tính và thông điệp của sản phẩm được thể hiện tốt hơn trên Tạp chí và nó sẽ có tác động mạnh hơn đến tiềm thức, quyết định của khách hàng, không nhất thiết phải quảng cáo trên truyền hình.

Trong quảng cáo, thông điệp được cảm nhận là yểu tố để đo lường hiệu quả, chứ không phải thông điệp được truyền tải. Bạn nói gì và nói như thế nào không quan trọng. Khách hàng của bạn hiểu như thế nào mới thực sự là quan trọng.

Để làm được điều đó, hãy cân nhắc tính hiệu quả của đồng tiền mà bạn bỏ ra trước khi thực hiện bất cứ chiến dịch quảng cáo nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Saga