Chạy theo mọi cơ hội có thể giết chết doanh nghiệp của bạn. Tại sao?
Sau khi Nike công bố Mark Parker trở thành CEO của công ty này vào năm 2006, một trong những việc đầu tiên mà Parker làm là gọi cho CEO của Apple Steve Jobs để xin lời khuyên.
Tại thời điểm này, Nike đang nỗ lực đưa chiến lược kỹ thuật số vào hàng trăm ngàn sản phẩm của mình. Steve Jobs đã nói một điều khiến Parker “tóm lấy” ngay: “Nike tạo ra những sản phẩm tốt nhất trên thế giới, những sản phẩm hấp dẫn. Nhưng Nike cũng có nhiều sản phẩm tào lao. Nên dẹp mấy thứ tào lao và tập trung vào những sản phẩm tốt”.
“Ông ấy hoàn toàn đúng”, Parker đồng ý. “Chúng tôi cần phải tinh lọc”.
Và thay vì lao vào một dòng sản phẩm khác về công nghệ, Nike đã tập trung vào sở trường của họ đồng thời hợp tác với Apple. Kết quả là chiến dịch Nike+ trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất từ trước tới nay của Nike.
Steve Jobs không chỉ đơn thuần đưa ra lời khuyên; ông từng sống với trải nghiệm này. Jobs bị sa thải khỏi Apple nhưng trở lại lúc hãng này đang lúng túng trong khó khăn vào năm 1997. Mệnh lệnh đầu tiên của ông ngày trở về? Tinh lọc.
Cho đến cuối năm đó, Steve Jobs đã loại bỏ 70% sản phẩm của Apple. Chỉ một năm sau, công ty đi từ chỗ thua lỗ 1,04 tỉ USD đến mức lợi nhuận 309 triệu USD.
Jobs đã nhận ra rằng Apple bị sao nhãng bởi những cơ hội. Cơ hội thì vô tội nhưng chúng ta cũng thường quên rằng những cam kết đi cùng cơ hội chính là năng lượng, thời gian và tiền.
Tại sao chỉ tập trung vào một thứ lại là điều khó khăn? Thế giới ngày nay dạy chúng ta đuổi theo cơ hội. Phải tham gia cuộc họp đó. Cần dự sự kiện kia. Tâm lý của chúng ta buộc chúng ta hành động như thế. Nỗi sợ bị bỏ lại phía sau là rất mạnh mẽ. Chúng ta không muốn ai đó chớp mất cơ hội của chúng ta.
Nói rằng phải đóng cửa trước cơ hội để xây dựng điều lớn lao dường như là nghịch lý nhưng từ chối chúng để đổi lấy sự tập trung là điều cần làm, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Với quá nhiều cửa xả lũ trên internet, chúng ta dường như ngập lụt trong các lựa chọn và thông tin trong khi não của chúng ta chỉ muốn điều gì đó đơn giản.
Vì thế, nếu bạn chạm vào thông điệp đơn giản, bạn sẽ nổi bật. Apple dưới thời Steve Jobs trải qua ba năm đầu tiên chỉ với một sản phẩm duy nhất: Apple 1. Chỉ sau khi sản phẩm đầu tiên này trở nên xuất chúng, Apple mới tiếp tục tiến lên với cái mới.
Tạo dựng một điều gì đó trở thành xuất sắc là điều hiếm thấy. Nhưng thế giới ưu ái sự hiếm thấy. Chúng ta tìm kiếm giải pháp tốt nhất và bằng cách tập trung vào phạm vi hẹp, bạn sẽ có thời gian để làm nên một sản phẩm có thể giải quyết được một vấn đề thật xuất sắc.
Một khi mà năng lượng và nguồn lực của công ty bạn bị kéo mỏng ra, bạn không thể giải quyết vấn đề ở mức độ cao. Bạn không có được sự chú tâm để tạo nên điều gì đó “đủ tốt”.
Nhưng hiện có quá nhiều sự cạnh tranh để chúng ta có thể bình tâm tạo dựng được điều gì đó độc đáo và đủ tốt.
Có thể chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi các cơ hội mỗi ngày, nhưng hãy học được tầm quan trọng của việc tập trung vào những cơ hội phù hợp. Một gợi ý có thể giúp bạn làm được điều này là lập một danh sách “No List” và hằng ngày viết ra cơ hội hấp dẫn mà chúng ta quyết nói không. Chẳng hạn, “No List” cho quý này là:
– Không có dự án đặc biệt, mới;
– Không sự kiện;
– Không tham gia làm diễn giả.
Bắt đầu quá nhiều thứ cùng lúc không giúp cho mọi thứ tiến triển nhanh hơn. Thay vào đó, trước tiên nên tập trung vào hoàn thiện một thứ.
Trước khi bạn bước tiếp, hãy làm cho mọi người thật sự muốn điều mà bạn đang mang lại. Khi đó mới là lúc cân nhắc hành động tiếp theo.
DiaOcOnline.vn - Theo SNSGCT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: