Top

Bí quyết thành công?

Cập nhật 26/04/2009 11:25

Thế giới kinh doanh quả là phức tạp, không chắc chắn và không thể dự đoán được. Kết quả kinh doanh của một công ty có thể phụ thuộc vào vô số yếu tố vượt trên cả hành động và suy tính của các nhà quản lý.

"Cô gái" khác... "bà già"

"Điểm khác biệt giữa một quý bà và một cô gái không phải ở cách xử thế của họ, mà ở cách họ được đối xử như thế nào." Rosenzweig trích dẫn câu nói dí dỏm của Bernard Shaw trong cuốn sách.

Đàn ông vây quanh, nhìn ngắm, ngưỡng mộ những cô gái trẻ đẹp, chẳng ai làm thế với một bà già. Tất nhiên rồi, với các công ty cũng thế, báo chí tôn vinh, ca ngợi các công ty thành công và CEO của nó lên tận mây xanh. Còn những công ty thất bại thì đương nhiên chẳng ma nào đoái hoài tới. Công ty thành công nào mà chẳng được ngợi ca rằng có những giám đốc táo bạo, mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn vượt trội, rằng công ty có những chiến lược tập trung, kiên định, thực tế, một nền văn hóa khuyến khích sáng tạo...

 


Khi một công ty đang ở đỉnh vinh quang, báo chí, nhân viên, đối tác, khách hàng thi nhau tâng bốc họ. Phil Rosenzweig gọi đó là hiệu ứng hào quang. Chúng ta luôn nhìn thấy quanh những vì sao là một vầng hào quang lấp lánh.

Một số cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất hiện nay đều dựa trên dữ liệu nghiên cứu là hàng ngàn bài báo viết về các công ty thành công, cũng như thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn đối với nhân viên, đối tác của họ. Theo Phil Rosenzweig, người viết sách không thể thu được kết quả chính xác từ những dữ liệu đó bởi tất cả sẽ chỉ là hào quang.

Rosenzweig đưa ra hai ví dụ nghiên cứu là công ty Cisco và công ty ABB. Khi ở trên đỉnh thành công, họ được báo giới và doanh giới ca ngợi như trên. Đến khi hai công ty này xuống dốc, những giám đốc táo bạo ngày nào bỗng bị chê là liều lĩnh, những giám đốc liêm chính ngày nào bỗng biến thành những kẻ tham tiền.

Còn những chiến lược trước đây được khen ngợi là tập trung nay bị gọi là bảo thủ, nền văn hóa công ty trước được coi là gắn kết thì nay bỗng bị phê bằng những từ ngữ nặng nề nhất. Câu chuyện cổ tích thế là tan vỡ...

 


Phil Rosenzweig cho rằng đa số những cuốn sách tuyên bố đưa ra những bản thiết kế để xây dựng công ty thành công đều chỉ là những câu chuyện cổ tích. Tác giả của nó là người giỏi kể chuyện chứ không phải nhà nghiên cứu khoa học bởi tất cả những dữ liệu đều không mang tính chính xác của khoa học do bị che mờ bởi hiệu ứng hào quang.

Người đọc tất nhiên khoan khoái khi nghe những câu chuyện cổ tích thú vị, họ mơ màng nhìn lên bầu trời đầy sao và tưởng tượng ra vẻ đẹp lung linh của nó. Những tất cả chỉ là ảo tưởng, những vì sao lấp lánh hào quang kia khi đến gần cũng chỉ là lớp đất đá xù xì...

Thầy bói xem voi

Hiệu ứng hào quang chỉ là một trong số nhiều ảo tưởng mà các nhà nghiên cứu kinh doanh mắc phải. Rosenzweig đã chỉ ra tới 8 ảo tưởng khác làm mờ mắt các nhà nghiên cứu, biến họ thành những ông thầy bói xem voi hơn là nhà khoa học.

 


Một ảo tưởng thú vị khác mà Rosenzweig gọi là ảo tưởng về sự tương quan và quan hệ nhân quả. Ví dụ như một nhà nghiên cứu có thể đưa ra mệnh đề: Đào tạo nguồn nhân lực mạnh là yếu tố then chốt tạo ra thành công của một công ty. Ông ta sẽ liên tục tìm ra mọi dẫn chứng và số liệu để chứng minh cho mệnh đề của mình.

Một bài báo hay thậm chí cả cuốn sách có thể ra đời từ chỉ một mệnh đề đó và đương nhiên, người đọc sẽ bị thuyết phục bởi chất chồng những nghiên cứu tình huống và số liệu thực tế mà nhà nghiên cứu đưa ra. Tuy vậy, cả nhà nghiên cứu và người đọc đều quên một điều: Đào tạo nguồn nhân lực và thành công có mối quan hệ tương quan chứ không hẳn là nhân quả của nhau.

Đúng là đào tạo nguồn nhân lực mạnh có thể sẽ khiến một công ty có nền tảng tốt hơn để phát triển nhưng cũng có thể nhờ công ty phát triển nên mới có tiền nhiều để đào tạo nguồn nhân lực. Hai yếu tố này tương quan với nhau theo kiểu con gà quả trứng, rất khó để minh định xem cái gì tác động tạo ra cái gì. Vội vã kết luận rằng đào tạo nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công là một sự nông nổi.

 


Còn hơn thế, nguồn nhân lực chỉ là một yếu tố trong vô vàn yếu tố có khả năng tác động tới hiệu quả công ty. Thế còn bao khía cạnh khác từ: văn hóa công ty, chiến lược cạnh tranh, năng lực tài chính... thì sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm nữa? Chỉ một ví dụ đó, Rosenzweig đã cho thấy tính phiến diện của các nghiên cứu, mỗi nghiên cứu chỉ nhìn nhận một yếu tố trong khi thực chất các yếu tố đan xen vào nhau tới mức không thể xác minh rõ ràng chúng tác động tới nhau và tới kết quả chung như thế nào.

Tác giả gọi đó là ảo tưởng bởi những giải thích phiến diện. Mỗi nhà nghiên cứu như một ông thầy bói sờ một con voi và vội vã tuyên bố "phát kiến" của mình. Ngay cả khi mỗi nghiên cứu đơn lẻ được tập hợp thành một bản thiết kế tổng thể thì cũng vẫn còn quá nhiều yếu tố bị bỏ sót. Thực hiện theo những thiết kế đó không bao giờ đảm bảo thành công.

Chuyện thành công hay chuyện cổ tích?

Rosenzweig dẫn lại một nghiên cứu của Michael Porter. Giáo sư chiến lược của Harvard đã nghiên cứu hàng ngàn công ty từ năm 1984 đến 1994 và kết luận rằng những yếu tố riêng biệt nội bộ đó chỉ đóng góp có... 32% cho hoạt động chung. Thế thì 68% còn lại thuộc về cái gì? Nó thuộc về những yếu tố bên ngoài từ bản chất của ngành kinh doanh, quan hệ hợp tác, may mắn và thậm chí là những yếu tố... chưa biết.

 


Trong môi trường kinh doanh bất định, liên tục bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như đối thủ cạnh tranh, sự thay đổi công nghệ, chính sách vĩ mô... thì việc vẽ ra một sơ đồ đi tới thành công là một ảo tưởng lớn. Và ngay cả việc nghĩ rằng sẽ có được những công ty thành công vĩ đại và trường tồn trong thế giới kinh doanh này cũng là một ảo tưởng nốt.

Tất cả những điều đó chỉ là những câu chuyện cổ tích lấp lánh ánh hào quang nơi có một chàng hoàng tử tức giám đốc nào đó "biết cách nắm giữ những giá trị quan trọng, vạch ra một tầm nhìn tươi sáng, quan tâm tới nhân viên, tập trung vào khách hàng và phấn đấu cho sự hoàn hảo..."

Rosenzweig nói rằng ông đánh giá cao những giá trị và lý tưởng đó trong các cuốn sách quản trị nổi bật hiện nay. Đi theo những con đường đó không có gì xấu cả, nếu không muốn nói rằng tốt. Nhưng sẽ không có gì đảm bảo rằng đó là con đường dẫn câu chuyện tới kết thúc có hậu. Chàng hoàng tử có tìm thấy công chúa của mình hay không còn phụ thuộc vào nhiều điều khác...

 

Hiệu Ứng Hào Quang Và 8 Ảo Tưởng Khác Trong Kinh Doanh Đánh Lừa Các Nhà Quản Lý
NXB Tri Thức
Giá bìa: 63.000VNĐ