Top

Xóa quy hoạch “treo”: Giữ hay bỏ phải dựa vào khả năng thực hiện

Cập nhật 17/03/2008 10:00

Trong việc lập quy hoạch chi tiết 1/2.000, ý kiến của người dân chỉ có giá trị tham khảo, không có tính chất quyết định.

Thời gian qua Báo giới đã có thông tin về công tác lập quy hoạch 1/2.000 và tiến độ xóa quy hoạch “treo” của một số quận, huyện. Đến tháng 6-2008, TP.HCM sẽ xóa được hết các quy hoạch “treo”? Đâu là tiêu chí xóa “treo” và cách thức giải quyết quyền lợi của người dân bị vướng quy hoạch?...

Trao đổi với Báo giới, ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QHKT) TP.HCM (ảnh), cho biết: “Hiện nay công tác rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được phân cấp về cho các quận, huyện. Sở QH-KT chỉ là đơn vị thẩm định về chuyên môn để hỗ trợ cho các quận. huyện hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch.

Trước đây, chính quyền đã quá cầu toàn, thiếu thực tế trong việc lập quy hoạch. Các cơ quan chức năng chỉ chăm chăm vào những tiêu chuẩn quy định chứ ít chú ý đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng thực hiện. Chắc chắn, ở lần điều chỉnh này, các đồ án quy hoạch sẽ không còn lãng mạn, vo tròn nữa”.

Đặt nặng tính khả thi

* Rất nhiều người lầm tưởng xóa quy hoạch “treo” có nghĩa là hủy bỏ hết thảy. Phải hiểu sao cho chính xác về việc này, thưa ông?

Vì nhiều lý do khác nhau (quy hoạch không hợp lý, không khả thi, chính quyền thiếu vốn...) mà nhiều quy hoạch đã bị “ngâm” rất lâu, không thực hiện được. Thành thử, việc xóa “treo” không đơn thuần là hủy bỏ mà còn là điều chỉnh, thu hẹp nội dung quy hoạch hoặc lên kế hoạch triển khai.

Đối với những quy hoạch quan trọng mang tính nhiệm vụ, định hướng, các quận, huyện phải dựa vào quy hoạch nhiệm vụ chung được UBND TP phê duyệt để có cách thức xử lý cụ thể. Những quy hoạch y tế, giáo dục, giao thông... buộc phải tuân theo quy hoạch ngành.

Theo đó, những khu vực được quy hoạch để xây dựng trường học, bệnh viện, chợ hay các hồ điều tiết nước, hồ sinh thái... phải được giữ lại. Trường hợp cần điều chỉnh thì phải chờ UBND TP điều chỉnh quy hoạch chung. Những quy hoạch đường giao thông cơ bản cũng phải được giữ lại... Riêng những quy hoạch còn lại, các quận huyện được quyền quyết định căn cứ vào tùy tình hình cụ thể trên địa bàn.

* Các quận, huyện sẽ tự quyết định trên cơ sở nào?

Nhất định phải dựa trên tính khả thi của quy hoạch. Quy hoạch nào có khả năng thực hiện thì giữ lại và tính toán phương cách thực hiện; những quy hoạch không có khả năng thực hiện thì phải điều chỉnh, thay thế.

Việc điều chỉnh phải được kết hợp với định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây cũng là một yếu tố quyết định tính khả thi của các quy hoạch.

* Dù đất chật người đông nhưng các quận nội thành vẫn phải quy hoạch theo các quy chuẩn cố định. Như ở các quy hoạch công viên cây xanh, khi nhà cửa khít rịt thì lấy đất đâu mà trồng cây xanh. Nhiều quy hoạch loại này đã bị “treo” từ lâu và tới đây có thể sẽ bị “treo” tiếp...

Các quận có thể linh động điều chỉnh những quy hoạch công viên cây xanh cho phù hợp với điều kiện phát triển dân cư. Trên các diện tích đất công cộng của các khu chung cư, chính quyền có thể dễ dàng thực hiện các chỉ tiêu cây xanh. Ngoài ra, chính quyền cũng có thể tạo những mảng xanh khác thay thế... Không nhất thiết phải “khoét lõm” khu dân cư hiện hữu (tức phải giải tỏa nhà dân) để trồng cho đủ số cây xanh tập trung.

Bảo đảm quyền lợi của người dân

* Ngán quy hoạch đã đành vì có nguy cơ bị giải tỏa, di dời nhưng điều làm người dân bất bình hơn cả là chẳng thể “mần ăn” gì được trong thời gian chờ quy hoạch triển khai. Phải khắc phục việc này như thế nào?

Sở QH-KT đã lưu ý các quận, huyện phải công khai thời gian thực hiện quy hoạch. Ví dụ, quy hoạch một đường giao thông dự phóng thì phải công bố rõ đến năm nào thực hiện. Đến thời gian cam kết mà chưa khởi công thì phải tiến hành rà soát, công khai cho dân biết vì sao giữ lại, lý do điều chỉnh. Tại những khu quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng, người dân phải được thực hiện đầy đủ quyền lợi.

Sau ba năm, nếu thấy có khả năng thực hiện thì chính quyền hãy điều chỉnh và lên kế hoạch thực hiện. Không nên quy hoạch một lần rồi để người dân bị thiệt thòi “suốt đời”.

* Làm sao để các thông tin quy hoạch được rõ ràng, tránh chuyện kẻ khóc vì bị quy hoạch, người cười vì đã biết gom đất trước để kiếm lợi?

Theo quy định thì cấp nào phê duyệt quy hoạch, cấp đó phải công khai quy hoạch trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định phê duyệt. Việc công khai quy hoạch có thể bằng nhiều cách: công bố, niêm yết tại bảng thông báo của tổ dân phố, tại trụ sở UBND các phường hoặc tại từng khu vực...

* Trở lại việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch. Hiện người dân đang bất bình do không được hỏi ý kiến, chính quyền thì lúng túng do không biết thực hiện việc này ra sao...

Tùy quy mô và tính chất của quy hoạch mà các địa phương quyết định hình thức lấy ý kiến nhân dân. Trong việc lập quy hoạch chi tiết 1/2.000, ý kiến của người dân chỉ có giá trị tham khảo, không có tính chất quyết định.

Ngay cả khi có đến 80% người dân không đồng ý thì nhà nước vẫn được quyền thiết lập, điều chỉnh quy hoạch dựa trên lợi ích chung của cộng đồng. Hình thức lấy ý kiến có thể bằng nhiều cách: lấy ý kiến của đại diện tổ dân phố, của đại biểu HĐND, các đoàn thể... Nếu tổ chức lấy ý kiến được của toàn dân thì càng tốt.

Tuy nhiên, đối với những quy hoạch về mở rộng hẻm thì nhất thiết phải lấy ý kiến của từng hộ gia đình bị ảnh hưởng vì nó liên quan trực tiếp và chủ yếu đến quyền lợi của họ. Nếu quá nửa số người trong hẻm không đồng ý thì chính quyền cần xem lại chủ trương mở rộng hẻm.

* Xin cám ơn ông.

Theo Pháp Luật TP.HCM