Top

Xây nhà trái phép: Phạt theo mức cũ hay mức mới?

Cập nhật 13/05/2009 08:30

Nhiều nhà vi phạm trước ngày 1-5-2009 nhưng chưa có quyết định phạt có bị áp dụng mức phạt mới cao gấp cả trăm lần mức phạt cũ?

Mức phạt trên quy định tại Nghị định 23 năm 2009 có hiệu lực từ ngày 1-5, thay thế Nghị định 126 năm 2004 về phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Qua hơn 10 ngày thực hiện Nghị định 23, nhiều quận, huyện tại TP.HCM cho biết đang lúng túng khi xử lý các vi phạm trong xây dựng xảy ra trước ngày 1-5 mà cơ quan chức năng chưa ra quyết định xử phạt. Nghị định 23 không ghi rõ về trường hợp này. Nếu áp dụng luật cũ thì mức phạt rất nhẹ, còn nếu áp dụng luật mới thì người dân sẽ phải “gồng mình” để nộp phạt cả triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng cho một căn nhà xây sai phép hoặc không phép.

Chậm bị phạt: Sẽ phạt theo mức mới?

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 23 mà Bộ Xây dựng vừa gửi cho các địa phương để lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất tất cả trường hợp vi phạm nếu còn thời hiệu xử phạt hành chính thì xử theo mức cao nhất cho từng hành vi vi phạm theo Nghị định 23. Điều này khiến các quận, huyện tại TP.HCM hết sức băn khoăn. Hướng giải quyết này không chỉ rối về mặt luật mà còn thiếu công bằng, gây thiệt thòi cho người bị phạt sau. Mặt khác, Nghị định 23 lại không hướng dẫn về các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi quyết định mức phạt. Do đó, người dân có thể bị phạt theo mức cao nhất (10 triệu đồng đối với hành vi xây dựng sai phép, 15 triệu đồng với xây dựng không phép) thay vì áp dụng mức trung bình cho vi phạm lần đầu mà không có tình tiết tăng nặng như trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Để né tình trạng dân bị tăng tiền phạt “oan”, một số nơi như quận Bình Thạnh trong mấy ngày cuối tháng 4 đã tất bật làm việc để kịp thời ra quyết định xử phạt cho các trường hợp vi phạm trước 1-5. “Quận đã giải quyết hết rồi để tránh trình trạng vi phạm trước ngày Nghị định 23 có hiệu lực lại bị phạt theo mức mới thì người bị phạt thiệt thòi quá” - ông Ngô Mạnh Chung, Chánh thanh tra xây dựng quận Bình Thạnh nói.

Ông Ngô Anh Phát, Chánh thanh tra xây dựng quận 4, thắc mắc: “Quận tôi thì chưa phát sinh trường hợp nào. Nhưng giả sử có các trường hợp vi phạm trong năm 2008, vẫn còn thời hiệu xử phạt mà thanh tra xây dựng không phát hiện ra, bây giờ mới biết thì không lẽ phạt theo Nghị định 23?”. Tại quận 12 cũng đang bối rối về chuyện này. Theo ông Lê Tấn Tài, Chánh thanh tra xây dựng quận 12, nguyên tắc pháp luật thì không hồi tố bất lợi cho người dân nhưng nếu quyết định xử phạt lấy căn cứ pháp lý là Nghị định 126 thì liệu có ổn không vì nghị định này đã hết hiệu lực.

Cần có hướng dẫn thống nhất

Tại cuộc họp giao ban của Sở Xây dựng TP.HCM với thanh tra xây dựng 24 quận, huyện cùng ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra xây dựng của Bộ Xây dựng ngày 5-5, vướng mắc trên đã được nêu ra. Ông Yên khẳng định: “Phạt theo nghị định nào thì căn cứ vào thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm đó, thời điểm này thể hiện trong biên bản vi phạm do thanh tra xây dựng lập. Nếu trong biên bản vi phạm nêu rằng hành vi này xảy ra trước Nghị định 23 thì áp theo Nghị định 126, còn nếu không chứng minh được thì phạt theo nghị định mới”. Ông Yên lưu ý thông tư hướng dẫn Nghị định 23 chưa ban hành nên các quận, huyện không phải áp dụng theo.

Tuy nhiên, giải đáp của ông Yên không phải là văn bản chính thức thì các quận, huyện cũng khó thực hiện. “Bộ Xây dựng phải có thông tư hướng dẫn thống nhất thì chúng tôi mới yên tâm áp dụng” - ông Lâm Quang Thơ, Chánh thanh tra xây dựng quận Tân Phú, cho biết. Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định bộ này sẽ ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương hiểu đúng một nghĩa và thực hiện đồng bộ về vấn đề trên.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:

Phải áp dụng mức phạt cũ

Điều 79 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản pháp luật không được quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn. Tại Điều 83 luật này ghi rõ văn bản pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Nghị định 23 quy định mức phạt tiền nặng hơn Nghị định 126 rất nhiều. Do đó, nếu hành vi xây dựng sai phép, không phép xảy ra trong giai đoạn Nghị định 126 vẫn đang có hiệu lực (trước ngày 1-5) và được chứng minh trong biên bản vi phạm do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì tất yếu phải áp dụng Nghị định 126 để xử phạt. Cần làm rõ khái niệm thời điểm phát hiện vi phạm là thời điểm nào. Có ba loại thời điểm khác nhau: Thời điểm vi phạm, thời điểm phát hiện vi phạm và thời điểm lập biên bản vi phạm. Trong biên bản vi phạm phải ghi rõ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, còn nếu không có căn cứ xác minh thì cũng phải ghi rõ. Không được mặc định rằng ngày lập biên bản là thời điểm phát hiện vi phạm hoặc là thời điểm thực hiện hành vi, nếu không dân sẽ kiện vì không chính xác.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP